Diễn văn và Bản ghi chép

Phát biểu khai mạc của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, tại Hội nghị CG 2011

6 Tháng 12 Năm 2011


Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, KS Grand Plaza, Hà Nội

Như trong bản chuẩn bị để phát biểu

Kính thưa: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng,
                Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh,
                Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình,
                Đại biểu Quốc hội, các thứ trưởng, các vị đại sứ, trưởng đại diện các cơ quan phát triển. Thưa quý bà, quý ông!

               Chúc các quý vị một buổi sáng tốt lành.

Tôi cùng Bộ trưởng Vinh hân hạnh chào đón tất cả các quý vị tới dự hội nghị CG thường niên năm 2011.

Lời chào mừng

Thưa Thủ tướng, tôi muốn đặc biệt chào mừng và cảm ơn ngài đã dành thời gian quý báu tham gia với chúng tôi hôm nay dù lịch làm việc cuối năm của Chính phủ thường rất bận rộn. Chúng tôi xin chúc mừng ngài đã trúng cử nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai, và chúc ngài cùng nhóm điều hành của ngài thành công rực rỡ trong nhiệm kỳ này.

Thưa Bộ trưởng Vinh, tôi xin chào mừng ngài tới dự Hội nghị CG đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và chúc ông thành công trong vai trò này. Tôi rất mong chờ được cùng làm việc với ngài với tư cách là đồng chủ tọa CG.

Tôi cũng muốn bày tỏ lời chào mừng đặc biệt tới các đại sứ, lãnh đạo của các đơn vị tham dự CG thường niên lần đầu tiên.

Lời cảm ơn

• Thưa Bộ trưởng Vinh, tôi xin cảm ơn ngài và các đồng nghiệp ở Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan Chính phủ khác đã chuẩn bị chu đáo cho CG lần này, bao gồm cả việc chuẩn bị một số tài liệu làm cơ sở cho các phiên thảo luận hôm nay.

• Tôi muốn cảm ơn các đại sứ và đối tác phát triển trong vì đã đóng góp bằng nhiều cách khác nhau cho quá trình chuẩn bị.

• Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi muốn cảm ơn các đồng nghiệp tại Ngân hàng Thế giới đã làm việc không mệt mỏi trong suốt mấy tháng qua để mọi việc đều được sắp xếp hợp lý. Cảm ơn vì sự phối hợp tuyệt vời và làm việc chăm chỉ để đảm bảo mọi việc đều được sắp xếp hợp lý.

Phát biểu

Hội nghị CG năm nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự kiện quan trọng trên toàn cầu và ở Việt Nam. Cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và kinh tế Mỹ tiếp tục suy yếu là minh họa rõ ràng rằng không có nền kinh tế nào miễn dịch với khủng hoảng. Ngay cả những quốc gia giàu có nhất, nếu thiếu sự quản lý tài chính vĩ mô lành mạnh và chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh lâu dài thì cũng có thể và thực tế là đang rơi vào khủng hoảng. Các cuộc khủng hoảng này thường được xác định bởi các yếu tố như mất cân đối vĩ mô, thiếu ổn định và suy thoái nghiêm trọng. Cái giá phải trả đối với ngân sách công khi trải qua cú sự đảo chiều về kinh tế có thể rất nghiêm trọng, như chúng ta đã thấy ở cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á cuối thập niên 1990 và gần đây hơn là ở Ai-len, Ai-xơ-len, Mỹ, Hy Lạp và các quốc gia khác. Các cuộc khủng hoảng này cũng mang lại những hậu quả bất lợi đối với phúc lợi cho người dân.

Khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu và nền kinh tế yếu của Mỹ đồng nghĩa với việc triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu năm 2012 và có thể là lâu hơn nữa trở nên kém sáng sủa hơn. Việt Nam vì vậy sẽ phải đối mặt với môi trường quốc tế ít thuận lợi hơn khi bước vào năm 2012. Kinh tế Việt Nam hiện rất mở. Giá trị thương mại chiếm tới hơn 150% GDP, trung bình xuất khẩu sang Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu chiếm khoảng 37% tổng xuất khẩu trong 5 năm qua. Môi trường quốc tế kém thuận lợi có thể ảnh hưởng bất lợi, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, thông qua sự suy giảm trong thương mại, đầu tư và các kênh khác.

Trong một môi trường toàn cầu kém thuận lợi, nền kinh tế vật lộn khó khăn, sống sót hay thịnh vượng sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của kinh tế vĩ mô và các yếu tố cơ bản của khu vực sản xuất. Việt Nam cần định vị bản thân giữa các nước có thể sống sót vượt qua khủng hoảng, hoặc thậm chí nhóm tốt hơn - những nền kinh tế thịnh vượng có thể tận dụng triệt để thuận lợi của bất cứ cơ hội nào trong điều kiện hiện nay.

Việt Nam cũng có những căn nguyên trong nước của suy yếu và nguy cơ. Tăng trưởng tín dụng trung bình mỗi năm gần đạt 30% trong suốt hơn một thập kỷ qua đã tạo nên đặc tính dễ bị tổn thương cho bất ổn kinh tế vĩ mô và chúng ta đã nhận thấy đặc tính dễ bị tổn thương này đã trở thành hiện thực hết lần này sang lần khác trong suốt 4 năm vừa qua.  Những nguy cơ liên quan trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và tài chính cũng đang ngày càng trở nên rõ nét.

Cả bất ổn vĩ mô lẫn thiếu hiệu quả của khu vực tài chính và doanh nghiệp nhà nước đồng nghĩa với việc kinh tế vĩ mô của Việt Nam và các yếu tố cơ bản của khu vực sản xuất cũng đang suy yếu. Đề cập tới các vấn đề này là cần thiết để xây dựng nền móng cho khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn để giúp Việt Nam thành công hơn trong bối cảnh toàn cầu ngày càng thử thách.

Chính phủ nhận thức được những nguy cơ quan trọng này đối với nền kinh tế và từ tháng 2 năm 2011 đã bắt đầu tiến hành một chương trình bình ổn toàn diện – Nghị quyết 11. Việc này đã mang lại những hiệu quả tích cực như đã đề cập. Chúng ta biết rằng một số quốc gia trong khu vực mà tiêu biểu là Trung Quốc đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang kích thích và phát triển nhưng họ có các yếu tốt vĩ mô cơ bản mạnh hơn và tỉ lệ lạm phát thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Với lạm phát vẫn ở mức cao gần 20% mỗi năm, Việt Nam vẫn cần thiết duy trì trọng tâm bình ổn như hiện nay.

Vào tháng 10, phiên họp toàn thể của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực tài chính là các ưu tiên cải cách hàng đầu cho năm năm tới. Đây là một bước khởi đầu quan trọng.

Điều cần thiết lúc này là ý chí chính trị mạnh mẽ sẽ thúc giục cấp bách phải cụ thể hóa chi tiết của tái cơ cấu và tiến hành một cách đáng tin cậy.

Sự cấp bách là cần thiết bởi vì kinh nghiệm cho thấy rõ ràng rằng thiếu hành động hoặc hành động chậm chạp sẽ dẫn đến khủng hoảng rất tốn kém. Sẽ dễ dàng hơn nhiều cho Việt Nam để theo đuổi chương trình tái cấu trúc ngay lúc này hơn là chờ đợi tái cấu trúc sau khi đã bị rơi vào khủng hoảng. NGAY BÂY GIỜ chính là thời điểm để hành động.

Chúng tôi nhận thấy rằng có những lĩnh vực khó để cải cách và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ tiếp tục tiến lên trong lĩnh vực cải cách. Chúng tôi hy vọng rằng các thảo luận hôm nay, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công và lĩnh vực tài chính, sẽ giúp cung cấp một số câu trả lời hoặc gợi ý cho Chính phủ có cách tiếp cận tốt nhất đối với nhiệm vụ quan trọng này.

Chúng tôi hy vọng sẽ có những chia sẻ và thảo luận từ các kinh nghiệm phù hợp trong khu vực cũng như một số nước khác tại CG lần này. Chúng tôi hy vọng rằng kinh nghiệm tái cơ cấu tài chính của Malaysia do chuyên gia mang đến sẽ hữu ích.

Báo cáo phát triển năm 2012 do World Bank và một số đối tác phát triển thực hiện bao gồm phân tích chi tiết tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực tài chính và đầu tư công và cung cấp những khuyến nghị hành trong hành động. Chúng tôi hy vọng đây cũng sẽ là một nguồn tham khảo với những lời khuyên hữu ích về chính sách cho Chính phủ.

Chúng tôi coi Hội nghị CG là một cuộc thảo luận giữa các đối tác – Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển. Chúng ta tập trung cùng nhau bởi lợi ích chung của sự phát triển của Việt Nam. Mục đích không phải là để các đối tác phát triển đánh giá và phán xét kết quả hoạt động của Việt Nam nhưng đây sẽ là một diễn đàn mà chúng ta thảo luận làm thế nào để đạt các tiến bộ trong một số vấn đề khó khăn và thách thức mà Việt Nam đối mặt. Chúng tôi đặc biệt hy vọng rằng một số các ý tưởng và giải pháp cụ thể có thể bóc tách từ thảo luận này và Chính phủ sẽ tìm thấy một số yếu tố hữu ích để đưa vào các kế hoạch tái cơ cấu khác nhau đang được chuẩn bị.

Chúng tôi cũng sẽ thảo luận những thách thức liên quan tới giảm nghèo. Các động lực giảm nghèo ở Việt Nam đang thay đổi. Cùng với tình trạng nghèo đói dai dẳng trong các nhóm dân cư dân tộc ít người, cũng đang có những thách thức mới nổi lên liên quan tới đô thị hóa và di cư.

Khủng hoảng toàn cầu hiện nay và thiên tai ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt liên quan tới biến đổi khí hậu cho thấy đặc tính dễ bị tổn thương của các hộ gia đình ngày càng gia tăng, cả hộ nghèo và cận nghèo.

Lạm phát lương thực cao trong bối cảnh lạm phát hiện này của Việt Nam là một cú sốc quan trọng ảnh hưởng tiêu cực tới những người nghèo và cận nghèo. Điều này đòi hỏi phải phát triển một hệ thống an sinh xã hội khỏe mạnh nhằm củng cố những kết quả giảm nghèo và cung cấp cơ chế/công cụ để đáp trả lại các cú sốc ảnh hưởng tới các hộ gia đình. Chúng ta sẽ cùng thảo luận chương trình quan trọng này chiều này.

Trong tất các các lĩnh vực này, tôi muốn nhấn mạnh rằng thay đổi một cách rời rạc, thiếu hệ thống là không đủ. Cần thiết phải có những hành động quyết liệt để thực sự phá vỡ quá khứ và phác thảo một con đường mới sẽ đưa Việt Nam đến vị thế mạnh mẽ hơn để thành công của một nước thu nhập trung bình.

Điều này cần có một ý chí chính trị mạnh mẽ và quyết tâm để dẫn dắt triển khai các hành động cần thiết để đạt được những mục tiêu kỳ vọng.

Thưa Thủ tướng, là đối tác phát triển, chúng tôi rất trân trọng cơ hội được thảo luận với Chính phủ Việt Nam về các vấn đề phát triển quan trọng. Thay mặt tất cả chúng tôi, tôi xin tái khẳng định với ngài rằng chúng tôi tiếp cận vấn đề với trách nhiệm và sự chân thành và hy vọng rằng điều này sẽ mang lại giá trị cho Chính phủ và bản thân ngài, đặc biệt khi các ngài bắt đầu tiến hành chương trình tham vọng trong chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm và đặc biệt trong chương trình tái cơ cấu vừa mới được công bố.

Tôi hy vọng chúng ta có thể thảo luận cởi mở, chân thành và xây dựng, dựa trên sự tin tưởng và thiện chí trong quan hệ đối tác của chúng ta.

Như tôi đã đề cập trong những phát biểu khai mạc tại các kỳ CG trước, tôi hy vọng chúng ta có thể duy trì sự tham gia một cách tập trung và ngắn gọn, và cho phép cơ hội đối thoại thực chất bằng chủ động lắng nghe lẫn nhau.

Tôi mong đợi những cuộc thảo luận thành công rực rỡ.

Api
Api

Welcome