Diễn văn và Bản ghi chép

Trung Đông và Bắc Phi: Một hợp đồng xã hội mới để phát triển

21 Tháng 4 Năm 2011

Robert B. Zoellick - Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson

Như trong bản chuẩn bị để phát biểu

(BẢN DỊCH KHÔNG CHÍNH THỨC)

Trung Đông và Bắc Phi:
Một Hợp đồng Xã hội Mới để Phát triển

Robert B. Zoellick
Chủ tịch
Nhóm Ngân hàng thế giới

Viện Kinh tế quốc tế Peterson

6/4/2011

Giới thiệu: Điều gì vừa xảy ra?
 
Đôi khi, một sự việc cho chúng ta nhiều bài học hơn hơn là chỉ những hậu quả trực tiếp của nó.
 
Việc tịch thu cái cân từ quầy bán trái cây của Mohamed Bouazizi cuối tháng 12 vừa qua, việc ông bị cảnh sát tát ở nơi công cộng, việc những nỗ lực kiện cáo của ông bị gạt bỏ đã khiến người đàn ông này đau đớn và thất vọng đến mức phải tự thiêu trước công chúng. Ngay lập tức, sự kiện này đã châm ngòi nổ một trận bão lửa ngập tràn Tunisia và rộng hơn là cả Trung Đông.
 
Thông qua Facebook, Tweets và các trang web truyền thông xã hội khác, cái chết của Bouazizi đã làm sụp đổ một chế độ dù các phương tiện truyền thông của chế độ đó rêu rao trong một thời gian rằng đó chỉ là một “sự việc” . Điều không ngờ rằng, Tunisia có hàng chục nghìn người như Bouazizis. Trên thực tế, số phận như của ông có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới này, nơi vẫn còn những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em, mà cơ hội và hy vọng của họ bị chối bỏ vì nghèo đói, sự phân biệt của xã hội, mất quyền công dân và sự tùy ý của pháp luật.

Nhưng những bài học của Tunisia và Trung Đông đi xa hơn  một khu vực, một quốc gia, hoặc một cái chợ nhỏ. Có nhiều điều có thể rút ra từ cái chết của một người bán hoa quả chứ không chỉ là là một sự biến động chính trị lay chuyển khu vực. Cả khu vực, cả thế giới, các chính phủ, các thể chế phát triển và các nền kinh tế có thể học nhiều bài học từ sự kiện đó.

Hiện đại hóa chủ nghĩa đa phương: Liệu thế giới Ả Rập có khác biệt không?
 
Kể từ khi tôi nhậm chức tại  Ngân hàng Thế giới trong năm 2007, tôi đã cho rằng chúng ta "phải hiện đại hóa chủ nghĩa đa phương."
 
Điều đó có nghĩa là cải cách các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ thế giới IMF để phản ánh tốt hơn thực tế sự thay đổi quyền lực kinh tế đang diễn ra trong thế giới ngày nay;

Điều đó có nghĩa là ép các tổ chức của chúng ta hoạt động nhanh hơn, linh hoạt hơn, cởi mở hơn và chu đáo hơn nữa với khách hàng;

Điều đó có nghĩa là tập trung giải quyết các vấn đề một cách thực sự, chứ không phải là chỉ thảo luận về người nghèo như là đối tượng của các chính sách từ các chuyên gia;

Điều đó có nghĩa là dân chủ hóa kinh tế phát triển để tất cả mọi bên có thể tham gia vào việc thiết kế, thực hiện, và liên tục cải thiện các giải pháp phát triển;

Điều đó có nghĩa là công nhận rằng các tổ chức được thiết kế theo cấu trúc của nửa cuối thế kỷ 20 cần phải liên kết nhanh nhẹn hơn trong mạng lưới toàn cầu - các chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, nhóm xã hội dân sự, tổ chức quốc tế khác, và nhóm nghị sỹ; 

Điều đó có nghĩa là không cho phép việc dựa dẫm vào "chủ nghĩa đa phương" để làm cái cớ cho sự chây ì. Chúng ta phải làm cho chủ nghĩa đa phương hoạt động hiệu quả;

Và điều đó có nghĩa là cất vào lịch sử các nhãn mác cũ như thế giới "thứ nhất","thứ hai", "thứ ba" và thừa nhận giả định rằng kiến thức và sức mạnh phải chảy từ Bắc tới Nam, từ Tây sang Đông, từ người giàu đến người nghèo, không còn giá trị.

Nhưng việc cất những nhãn mác cũ vào lịch sử không có nghĩa là tất cả các nước và vùng lãnh thổ là giống nhau.

Trong năm 2007, với tinh thần chú ý tới những khác biệt này, chúng tôi đưa ra Sáng kiến Thế giới Ả Rập,  là một trong nhóm sáu chủ đề chiến lược của Ngân hàng Thế giới. Một số người có thắc mắc: Tại sao lại có chủ đề này?

Trong bài phát biểu  tại Hội nghị Thường niên của Ngân hàng thế giới trong năm 2007, tôi đã nói "Một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta là làm thế nào để hỗ trợ những người tích cực thúc đẩy sự phát triển và tạo cơ hội cho Thế giới Ả Rập. Trong quá khứ, những vùng đất này đã từng là trung tâm thương mại và giáo dục, điều này cho thấy có tiềm năng nếu họ có thể vượt qua xung đột và các rào cản tăng trưởng và phát triển xã hội. Nếu không có sự tăng trưởng trên diện rộng, các nước này sẽ gặp khó khăn vì căng thẳng xã hội và số lượng lớn thanh niên không thể tìm được việc làm."

Lý do để quan tâm đặc biệt đến thế giới Ả Rập đã rõ ràng từ lúc đó và nay thì chắc chắn: ngoài lĩnh vực dầu mỏ, khu vực này ít hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Khu vực này có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các khu vực đang phát triển, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong nhóm dân có giáo dục tốt nhất, và tỷ lệ phụ nữ tham gia kinh tế thấp nhất

Các quốc gia, giàu cũng như nghèo đều thiếu đa dạng kinh tế, trách nhiệm giải trình khu vực công còn yếu, tham nhũng và có xung đột.
 
Các nền kinh tế tại khu vực này dựa quá nhiều vào xuất khẩu dầu và hàng hóa. Trong năm 2008, xuất khẩu hàng ngoài dầu mỏ chỉ chiếm 16%  trong tổng số GDP của Trung Đông và Bắc Phi, so với 44% ở khu vực Đông Á.

Việc thiếu đa dạng hóa đồng nghĩa với việc khu vực này thiếu hụt ngành sản xuất và dịch vụ năng động có thể tạo công ăn việc làm cho hiện tại và tương lai.
 
Với đầu tư tư nhân trung bình chỉ khoảng 15% GDP, so với gần 25% của Nam Á, lượng lao động trong độ tuổi thanh niên ngày càng tăng không biết đi đâu để có việc làm ngoại trừ các cơ quan nhà nước – nơi mà cơ hội việc làm mới cực khan hiếm – hoặc ra đường.

Mặc dù vậy, cũng có một vài tiến bộ. Các chỉ số như tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, sức khỏe bà mẹ, tỷ lệ mù chữ, và tuổi thọ đã được cải thiện. Tỉ lệ dân sống dưới mức 1,25 USD một ngày đã giảm.

Trên mặt trận kinh tế, hoạt động kinh tế vĩ mô có những tiến bộ nhất định. Một số quốc gia tăng trưởng kinh tế ổn định mặc dù mức tăng trưởng chưa đủ đáp ứng nhu cầu việc làm, và trước cuộc khủng hoảng toàn cầu đã có một số dấu hiệu tích cực về đầu tư nước ngoài.

Nhưng các thể chế vẫn hoạt động cứng nhắc, hiện đại hóa chỉ được tiến hành một phần và còn phụ thuộc quá nhiều vào một số ít các nhà cải cách để có thể tạo cơ sở chắc chắn. Nỗ lực mang tính chất từ trên xuống đã chặn lại sự tham gia của công chúng cũng như sự bực bội của người dân. Các hình thức tham vấn xã hội truyền thống bị dập tắt. Giới lãnh đạo đặc quyền trở nên tách biệt.

Cần phải làm gì? Từ Chính trị tới Kinh tế

Năm ngoái trong một bài phát biểu tôi đã đưa ra câu hỏi về việc kinh tế phát triển đã đưa ta đến đâu. Và liệu nó đã phục vụ chúng ta tốt hay chưa?
 
Tôi kêu gọi chúng ta hãy làm cho kinh tế phát triển có thể giúp đỡ thiết thực cho mọi người – từ Bộ trưởng, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo cộng đồng, và vâng, cả các thương gia bán trái cây - chứ không phải là chỉ là lý thuyết trừu tượng. Kinh tế từ đường phố là là kinh tế thị trường khôn ngoan.
 
Những điều này có lẽ không nơi nào thích hợp hơn là Trung Đông.
 
Hai tuần trước, chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp tại Ngân hàng Thế giới để lắng nghe tiếng nói của thế giới Ả Rập – từ nhóm thanh niên, phụ nữ và các tác nhân muốn có sự thay đổi .

Họ muốn gì?
 
Họ muốn có cơ hội, công lý và công ăn việc làm.
 
Họ muốn các quy định và pháp luật công bằng, có thể dự đoán được, và minh bạch.
 
Họ muốn thực phẩm và chỗ ở cho gia đình, trường học tốt cho con cái họ, và khu phố sinh sống an toàn.

Họ muốn lực lượng cảnh sát thực sự là những người bảo vệ chứ không phải là những kẻ dọa nạt; họ muốn Chính phủ có thể tin cậy được.

Họ muốn có tiếng nói và trách nhiệm giải trình. Và họ muốn có điều đó ngay tại các khu làng, thị trấn và các khu dân cư.
 
Họ muốn có tiếng nói phản ánh các dịch vụ công đã quá méo mó nên vừa không phục vụ công cộng vừa không cung cấp dịch vụ thực sự.
 
Họ muốn thông tin và quyền được biết và tham gia.
 
Họ muốn có một hợp đồng xã hội mới

Họ muốn có phẩm giá.
 
Họ muốn được tôn trọng.
 
Và nếu họ là phụ nữ, họ muốn những điều tương tự.
 
Có một số vị trong thính phòng này sẽ nói: Vâng, đó có thể là những điều họ muốn nhưng đó là chính trị, không phải kinh tế.
 
Tôi ở đây để nói rằng: Một vài điều trong những gì đã nói có thể là những gì chúng ta cho là chính trị, nhưng hầu hết những thứ đó chúng ta cũng biết là hữu ích cho kinh tế; hầu hết những thứ đó chúng ta cũng biết là hữu ích cho việc chống tham nhũng, hầu hết những thứ đó chúng ta cũng biết là hữu ích cho phát triển toàn diện và bền vững.

Hãy phát triển bằng một cách khác: Một hợp đồng xã hội mới

Hai mươi năm trước, Ngân hàng Thế giới không nói đến tình trạng tham nhũng. Nhân viên thì nói đó là từ cấm kị, các cổ đông của chúng tôi và Ban giám đốc nói rằng vấn đề đó quá chính trị, và chúng tôi tự kiểm duyệt từ đó ra khỏi các tài liệu của chúng tôi. Ngày nay, chống tham nhũng là một phần quan trọng trong các dự án của Ngân hàng Thế giới. Cổ đông của chúng tôi biết tham nhũng kéo nền kinh tế lại, tăng chi phí lên người nghèo và thắt chặt các cơ hội phát triển.

Mười tám năm trước đây, Ngân hàng Thế giới hiếm khi nói chuyện về giới. Một số nói rằng vấn đề đó quá chính trị. Giờ đây, chúng ta biết rằng bình đẳng giới chính là kinh tế thông minh. Rằng các nước bình đẳng giới cao hơn luôn kèm theo xu hướng tỷ lệ đói nghèo thấp hơn; cơ hội sống sót của một đứa trẻ sẽ lớn hơn gấp 20 lần nếu thu nhập thực sự chảy vào đôi tay của người mẹ; và đơn giản là nếu phụ nữ kiểm soát nhiều hơn đầu vào nông nghiệp thì năng suất nông nghiệp ở một số quốc gia có thể tăng hơn 20%.

Mười năm trước, chúng tôi mới bắt đầu nói về tính minh bạch. Ngày nay, Ngân hàng Thế giới là tổ chức đa phương duy nhất với chính sách tự do tiếp cận hầu hết các thông tin chúng tôi; chúng tôi đã mở toang cánh cửa đến kho tài liệu nghiên cứu và cho mọi người tiếp cận hơn 7.000 bộ dữ liệu của chúng tôi; chúng tôi đang thiết kế các ứng dụng phần mềm và tổ chức các cuộc thi tạo ra các ứng dụng để các nhà nghiên cứu, người sử dụng và xã hội dân sự có thể lọc ra con số họ cần - và kiểm tra chéo với con số của chúng tôi.
 
Chống tham nhũng, vấn đề giới và sự minh bạch. Điều quan trọng là Ngân hàng Thế giới cần liên tục thách thức chính bản thân để làm mới tư duy phát triển của chúng tôi.
 
Điều quan trọng là hiện đại hóa chủ nghĩa đa phương cần phải cởi mở cho ý tưởng mới.
 
Chúng ta cũng không được dừng ở đó.

Chúng ta biết rằng việc một quốc gia có phát hành các số liệu thống kê kinh tế hay không, kiểm toán độc lập, minh bạch tài chính công hay không đều rất quan trọng.

Ví dụ như tại Ai Cập, nhiều số liệu thống kê kinh tế cơ bản thậm chí chưa được công khai. Một vài năm trước đây, chúng tôi đã làm việc với các nhà cải cách Ai Cập để dự thảo Luật Tự do thông tin và rốt cuộc dự thảo này chỉ mắc kẹt trong một hệ thống trì trệ.

Chính phủ chuyển tiếp hiện nay đã làm sống lại dự thảo. Và họ muốn Ngân hàng Thế giới giúp đỡ để tạo nên thêm sự minh bạch trong doanh thu từ dầu khí.

Tại Tunisia, các nhà chức trách đang tiến hành các bước để thu hồi tài sản bị đánh cắp cả trong và ngoài nước và đẩy mạnh tự do lập hội và tiếp cận thông tin.

Chúng ta biết rằng hệ thống đấu thầu minh bạch là quan trọng. Cách thức một quốc gia vận hành hệ thống đấu thầu sẽ ảnh hưởng đến việc chống tham nhũng, tạo ra cạnh tranh, tiết kiệm tiền, và dẫn đến cải thiện dịch vụ công cộng. Chúng tôi đã chung sức với 41 quốc gia trên toàn thế giới nâng cao tính minh bạch, sức cạnh tranh, và hiệu quả của công tác đấu thầu chính phủ.

Chúng tôi đã làm việc với 34 quốc gia để cải thiện hơn nữa quyền tiếp cận thông tin công của người dân.

Và Tổ chức Tài Chính Quốc tế (IFC) của chúng tôi hiện đang hoạt động trong mảng Quản trị Doanh nghiệp tại  64 quốc gia và với hơn 3.200 doanh nghiệp.

Đây không phải là vấn đề kỹ thuật khô khan. Đây cũng không phải là gì quá xa xỉ chỉ dành cho quốc gia phát triển. Những điều này phản ánh chất lượng quản trị quốc gia. Chúng cải thiện chính sách công. Chúng là dấu hiệu của sự liêm chính. Chúng gửi đến công chúng một thông điệp của sự tôn trọng. Chúng nghe có vẻ chính trị nhưng chắc chắn liên quan đến kinh tế.

Những vấn đề trên là một phần của kinh tế về sự lựa chọn của người dân. Các nhà lý thuyết về sự lựa chọn của người dân cảnh báo chúng ta phải suy nghĩ về cách chính phủ thực sự hoạt động, so với cách chúng ta muốn họ làm việc. Những người ủng hộ sự lựa chọn của người dân đều kêu gọi có khuyến khích và cơ hội tốt hơn cho công dân để họ giám sát chính phủ hiệu quả hơn. Họ đã đúng.

Tầm quan trọng của các thể chế
 
Các sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông là hiện tại.
 
Nhưng chúng cũng phản ánh quá khứ.
 
Sự sỉ nhục mà một người bán trái cây ở Tunisia phải chịu làm cho ta nhớ lại sự sách nhiễu một linh mục người Hungary ở Romania vào năm 1989. Cuộc biểu tình sau sự kiện đó đã lan rộng thành một cuộc nổi dậy đẫm máu kết thúc sự cai trị 22 năm của nhà độc tài Nicolaes Ceausescu, cũng giống như cuộc biểu tình tại Tunisia chấm dứt kỷ nguyên của Tổng thống Ben Ali.

Dù các ngòi nổ có thể tương tự, con đường mà một đám cháy cách mạng nổ ra là không thể đoán trước được.
 
Chúng ta không biết liệu năm 2011 có giống như năm 1989, 1979, 1968, 1848, hoặc một năm nào đó.

Chúng ta biết - và điều này đã được nhấn mạnh trong Báo cáo phát triển thế giới của chúng tôi về "Xung đột, An ninh, và Phát triển" sắp được phát hành vào tuần tới -- rằng tăng cường thể chế và quản trị hợp pháp để đảm bảo an ninh, công lý và công ăn việc làm cho công dân có thể đóng vai trò rất quan trọng nhằm tránh lặp lại chu kỳ của sự bất ổn và bạo lực.

Chỉ có các cá nhân anh hùng là không đủ. Cải cách hệ thống quan liêu cũng chưa đủ. Sự tham gia của công dân - và các kênh đối thoại rõ ràng giữa xã hội và chính phủ - là quan trọng.
 
Ngân hàng Thế giới sẽ làm việc với chính phủ các nước trong khu vực và trên thế giới để giúp tăng cường hiệu quả và trách nhiệm của họ. Thành công của chúng tôi sẽ khác nhau, tùy thuộc vào sự sẵn sàng của các chính phủ từ bỏ sự chỉ huy và kiểm soát của họ để trở nên cởi mở hơn.

Nếu các chính phủ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho khu vực tư nhân, nếu các chính phủ vượt qua được chế độ chính trị thiểu số và độc quyền, và nếu các chính phủ khai thác được các nguồn năng lượng trong xã hội và tôn trọng sự lựa chọn của công chúng thì rất nhiều điều có thể thực hiện.
 
Và không một quốc gia nào có thể phát huy tiềm năng của mình nếu họ bỏ qua khả năng của một nửa dân số của họ, là phụ nữ và và trẻ em gái.

Thông điệp của chúng tôi  cho các khách hàng, dù hệ thống chính trị của họ là gì, là bạn không thể phát triển thành công mà không có quản trị tốt và không có sự tham gia của công dân của mình.
 
Chúng tôi sẽ khuyến khích các chính phủ công khai thông tin, ban hành Luật Tự do Thông tin, công khai hơn nữa thông tin về ngân sách và quá trình đấu thầu, xây dựng cơ quan kiểm toán độc lập và tài trợ việc cải cách các hệ thống pháp lý.

Chúng tôi sẽ không cho vay trực tiếp vào ngân sách cho các nước không công bố ngân sách của họ, hoặc trong trường hợp đặc biệt, ít nhất họ phải cam kết công khai ngân sách trong vòng 12 tháng. Chúng tôi sẽ chia sẻ những ví dụ về quản trị quốc gia có sự tham gia của người dân đã thành công như thế nào tại các nước đang phát triển khác.

Tại Mexico, một nhóm gồm 6 tổ chức Phi chính phủ đã sử dụng quyền tiếp cận thông tin để tìm hiểu về việc phân bổ không đúng mục đích 3 triệu USD từ ngân sách nhà nước đã được dành cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Vụ việc này được chia sẻ với những nhà cải cách, dẫn đến việc ban hành cơ chế trách nhiệm chính thức bao gồm công tác thường xuyên kiểm toán việc phân bổ ngân sách nhà nước.

Tại Nam Phi, một Ban giám sát trách nhiệm dịch vụ công do Đại học Rhodes điều hành với sự hợp tác của các tổ chức kiểm toán tối cao, đã sử dụng sự minh bạch để cải thiện việc thực hiện quy chế tài chính công, cải thiện cung cấp dịch vụ công.

Tầm quan trọng của Công dân
 
Thể chế có vai trò quan trọng và vai trò của những người dân cũng quan trọng không kém.
 
Một xã hội dân sự mạnh mẽ có thể kiểm tra ngân sách, tìm kiếm và công bố thông tin, thách thức sự quan liêu ngột ngạt, bảo vệ tài sản tư nhân, và giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ công. Xã hội dân sự có thể yêu cầu tôn trọng các quyền của công dân. Và xã hội dân sự cũng có thể gánh vác trách nhiệm.

Công chúng được trao quyền là nền tảng của một xã hội mạnh hơn, một chính phủ hiệu quả hơn và một nhà nước thành công hơn.
 
Chúng tôi có bằng chứng từ các khoản đầu tư trên khắp thế giới trong các dự án phát triển do cộng đồng đảm nhiệm trong đó người dân địa phương được nhận tiền hỗ trợ trực tiếp để họ có thể tự quyết định các ưu tiên riêng của mình, tự giám sát các dự án của chính họ, và quản lý quỹ tài chính của mình. Mặc dù chưa hoàn hảo, nhưng việc trao quyền cho người dân có thể tạo ra sức mạnh. Trong mười năm qua, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ hàng chục ngàn ngôi làng và địa phương tại hơn 100 quốc gia với các dự án do cộng đồng làm chủ.

Chúng tôi đã thấy những tác động ở Uganda khi ngân sách trường học địa phương được dán trên cổng trường để phụ huynh có thể kiểm tra xem sách giáo khoa hoặc giáo viên có thực sự đến được trường như kế hoạch không – và kết quả đã tốt hơn.
 
Tại Trung Quốc, phương pháp "bỏ phiếu thảo luận" đã được sử dụng trong các cộng đồng nông thôn để tham khảo ý kiến về giá của nước, điện, hay việc di dời các hộ nông dân. Một số quan chức Trung Quốc đã thể chế hóa việc thăm dò để đánh giá sự tín nhiệm của người dân đối với công việc của giới chức lãnh đạo. Ngân hàng thế giới đang tài trợ một dự án giảm nghèo ở 70 làng nghèo của Trung Quốc. Các dự án này đều phát huy sự thành công của mô hình cộng đồng làm chủ và hỗ trợ để cộng đồng đưa ra quyết định, quản lý và giám sát sự phát triển của địa phương.

Công nghệ mới đã cho phép người dân có thể phản hồi hiệu quả hơn bằng nhiều cách thức trong thời gian hợp lý nhất có thể.

Tôi lấy ví dụ ở Senegal, nơi có một dự án lớn có sự tham gia của cộng đồng đang lên kế hoạch giám sát dinh dưỡng trẻ em sử dụng tin nhắn để lưu giữ và thông báo cân nặng và sức khỏe của trẻ em.

Hoặc Ushahidi - có nghĩa là lời chứng thực - được thế hệ trẻ Châu Phi cho ra mắt tại Kenya bây giờ đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Đây là cơ sở thông tin mã nguồn mở và người truy cập trên khắp thế giới có thể gửi các loại thông tin đa dạng, ảnh kỹ thuật số, và video thông qua tin nhắn SMS của điện thoại di động, điện thoại thông minh, và trang web Ushahidi.

Ushahidi ban đầu được thiết kế chỉ để báo cáo, giám sát và ứng phó với các sự kiện sau bầu cử năm 2008 tại Kenya. Phần mềm này đã được phát triển cho phép người dùng trên toàn khu vực theo dõi sự phát sinh của dịch cúm lợn toàn cầu hoặc theo dõi công tác cứu trợ động đất ở Chile và Haiti.

Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ các sáng kiến tương tự để tăng cường trách nhiệm giải trình xã hội.
 
Tại Châu Phi, chúng tôi đang xúc tiến hình thành các liên minh "giám sát hợp đồng” trong nước với thành viên là xã hội dân sự, chính phủ, và khu vực tư nhân để đấy mạnh tính minh bạch và giám sát việc trao và thực hiện hợp đồng - bao gồm cả việc các điều kiện ưu đãi cho ngành công nghiệp khai khoáng.

Với chương trình "Bản đồ kết quả", chúng tôi đang hướng tới tiếp cận với đối tượng hưởng lợi qua điện thoại di động và các thiết bị cầm tay nhằm thu thập phản hồi của họ về các dự án để cùng chúng tôi có thể cùng nhau kiểm tra kết quả thực sự - và cải thiện các kết quả đó.

Đồng thời, chúng tôi đang làm việc với ANSA - Mạng lưới Trách nhiệm giải trình Xã hội – trong đó chúng tôi giúp đỡ ANSA khởi động và hỗ trợ một ANSA - Thế giới Ả Rập: một mạng lưới khu vực của những người hoạt động về quản trị quốc gia có sự tham gia và trách nhiệm giải trình xã hội trong thế giới Ả Rập, sẽ khởi động trong năm nay.

Chủ nghĩa đa phương Hiện đại phải phát triển

Vào năm 1944, Ngân hàng thế giới được các chính phủ thành lập để cho các chính phủ vay.

Năm 1956, các cổ đông của chúng tôi thành lập Tổ chức Tài chính Quốc tế, IFC để đầu tư vào khu vực tư nhân.

Bây giờ, có thể là thời điểm để chúng tôi đầu tư vào khu vực tư nhân, phi lợi nhuận – khu vực xã hội dân sự - để củng cố năng lực của các tổ chức làm việc vì sự minh bạch, trách nhiệm công và chất lượng cung cấp dịch vụ công.

Chiến lược chống tham nhũng và quản trị của chúng tôi, vừa được Ban giám đốc thông qua, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc mở rộng quy mô hợp tác của chúng tôi với người dân, bao gồm đẩy mạnh tính minh bạch và sự tham gia, giám sát của bên thứ ba đối với các hoạt động của Ngân hàng thế giới.

Một đánh giá mới đây của Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản thuộc Ngân hàng thế giới cho thấy dự án được thực hiện tốt hơn khi các Tổ chức Xã hội dân sự - CSO – được tham gia. Các nghiên cứu bên ngoài đã chỉ ra rằng khi các CSO tham gia thiết kế, giám sát, đánh giá và quản lý các dịch vụ công, thì ngân sách được sử dụng tốt hơn, dịch vụ công đáp ứng nhu cầu tốt hơn và ít tham nhũng hơn.

Trên thực tế, chúng tôi đã và đang hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và trực tiếp với các đối tượng hưởng lợi trong hơn nửa các hoạt động mới của chúng tôi.
 
Nhưng để tham gia có hiệu quả, các nhóm xã hội dân sự cần phải xây dựng năng lực của mình. Quỹ Quản trị và minh bạch của Vương quốc Anh đã đi tiên phong trong việc cung cấp hỗ trợ công cho vấn đề này.
 
Tôi cho rằng bây giờ là thời điểm Ngân hàng Thế giới cùng với Hội đồng quản trị và cổ đông của mình xem xét liệu Ngân hàng Thế giới có cần năng lực mới hoặc quỹ mới để làm đòn bẩy, huy động hỗ trợ từ các nước, các quỹ và các nguồn khác để tăng cường năng lực của các tổ chức CSO chuyên về trách nhiệm giải trình và minh bạch trong cung cấp dịch vụ công. Chúng ta có thể dành ưu tiên cho các quốc gia ở Trung Đông, Bắc Phi và ở vùng cận Sahara. Chúng tôi có thể hỗ trợ việc này với nguồn vốn ban đầu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và các nghiên cứu nhằm tạo ra môi trường thuận lợi hơn các hoạt động đẩy mạnh trách nhiệm giải trình xã hội.
 
Liệu những điều vừa đề cập có quá chính trị không?
 
Dù bằng cách nào, một chủ nghĩa đa phương hiện đại cần phải nhận ra rằng đầu tư vào xã hội dân sự và trách nhiệm xã hội có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của Trung Đông  và các khu vực khác, tương tự như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các công ty, nhà máy, hoặc trang trại.

Việc làm, việc làm và nhiều việc làm hơn nữa
 
Các thể chế hợp pháp và những công dân được trao quyền có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Nhưng người dân vẫn cần công ăn việc làm.
 
Tại Trung Đông, các chính phủ đã cố gắng ngăn chặn việc tăng tỷ lệ thất nghiệp thông qua một nhóm các biện pháp khác nhau bao gồm đàn áp chính trị, tạo thêm việc làm tại khu vực nhà nước, trợ cấp về thực phẩm, nhiên liệu, và các nhu yếu phẩm khác.
 
Những biện pháp này chỉ kéo dài thời gian chứ nhưng không mang lại kết quả khác.
 
Tốn kém và không hiệu quả, các biện pháp này đã nuôi dưỡng chủ nghĩa gia đình trị chứ không phải là nhu cầu của người dân, chủ nghĩa thân quen chứ không phải khả năng cạnh tranh; tham nhũng chứ không phải chủ nghĩa tư bản.

Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính rằng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-24 ở Trung Đông là 25%. Khảo sát của chúng tôi trên 1.500 thanh thiếu niên cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tự khai báo hoặc nhận thức được thậm chí còn cao hơn, khoảng 35% đến 40%. Con số thất nghiệp trong số phụ nữ trẻ ở Ai Cập và Jordan là 40%.

Chi phí cơ hội trực tiếp của thanh niên thất nghiệp trong thế giới Ả Rập ước tính lên tới 50 tỷ USD một năm.

Chính phủ các nước ở Trung Đông đang phải đối mặt với kỳ vọng rất lớn từ thế hệ trẻ - họ muốn có công ăn việc làm. Không hành động gì sẽ tạo ra nhiều rủi ro. Và hành động sai thì rủi ro sẽ càng lớn.

Cải cách chính sách cũng sẽ quan trọng như tài chính.
 
Nhưng cải cách chính sách phải được tiến hành qua một quá trình tư vấn toàn diện và rộng mở - với sự tham gia của giới trẻ. Và cải cách phải minh bạch và nhanh.
 
Các nhà hoạch định chính sách cần phải suy xét một cách tổng hợp cho tương lai ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
 
Trong ngắn hạn, ưu tiên sẽ là những kết quả nhanh để xây dựng sự tin tưởng và ủng hộ chính trị.

Điều này có thể đồng nghĩa với các dự án cần nhiều lao động trong thời gian ngắn. Nhưng không nhất thiết là khối nhà nước phải phình ra. Điều này cũng không nên đồng nghĩa với việc tạo những loại công việc có thể làm suy yếu cơ hội tạo việc làm tại khu vực tư nhân trong trung và dài hạn.

Một nghiên cứu năm 2009 của Ngân hàng Thế giới, rà soát các sáng kiến tạo nhiều công ăn việc làm tại 43 nước trong vòng hơn 20 năm cho thấy rằng các chương trình mang lại hiệu quả cao là những chương trình tốt với mức lương không làm nản lòng người làm việc trong khối tư nhân. Những chương trình này có ý nghĩa thiết thực cho người nghèo và dễ bị tổn thương.
 
Ở Liberia, một kế hoạch khẩn cấp đã được triển khai để tạo ra 90.000 việc làm trong hai năm. Tại Afghanistan, Chương trình Quốc gia Tiếp cận Nông thôn tạo ra 12,4 triệu ngày công lao động để xây dựng hoặc phục hồi 10.000 km đường giao thông. Cả hai biệp pháp đã giúp nhanh chóng ổn định tình hình mong manh của đất nước hậu chiến.
 
Tunisia, Jordan, và Libăng có các Chương trình dịch vụ cho thanh niên có thể nhân rộng được, ví dụ như tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học để giảng dạy ở các cộng đồng nghèo.

Những kết quả trước mắt này cũng có thể là tín hiệu chính phủ cho thấy sự cam kết đối với doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ, và các nhà đầu tư.

Những việc như giảm quan liêu, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, cải cách luật phá sản và giảm bớt sự cứng nhắc của các cơ quan quản lý có thể là những dấu hiệu cải cách. Xin mọi người hãy nhớ lại nỗi thất vọng của một người bán hoa quả Tunisia cố gắng kiếm sống mà không có giấy phép rồi phải trành giành không ngừng để có địa điểm buôn bán, cùng với sự sách nhiễu liên tục của quan chức hống hách? Chính phủ các nước trong khu vực sẽ hành động khôn ngoan hơn khi nhớ đến hoàn cảnh này.

Và nếu chính phủ dẫn đầu trong những cuộc cải cách, Ngân hàng Thế giới và những tổ chức khác có thể nhân rộng các thành quả bằng cách khuyến khích các hạng mục đầu tư quan trọng. Ở Hàn Quốc đầu những năm 1960 cũng có những điều kiện tương tự như bây giờ. Giống như Hàn Quốc ngày đó, các nước Trung Đông hôm nay cần tạo điều kiện mở rộng nhanh chóng cho ngành xuất khẩu sử dụng nhiều lao động.

Các kết quả trước mắt có tính chất ngắn hạn. Nhưng Trung Đông đang phải đối mặt với vấn đề việc làm trong dài hạn. Trong những thập kỷ tới, khu vực này sẽ cần phải tạo ra ít nhất 40 triệu việc làm. Cuốn sách của Marcus Noland và Howard Pack với tiêu đề ‘Các nền kinh tế Ả Rập trong một thế giới thay đổi’ được xuất bản chính tại Viện Peterson vào năm 2007, đã liệt kê một số các chính sách cực cần thiết cho khu vực.

Để tạo việc làm, nâng cao năng suất, và hội nhập tốt hơn với nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia trong khu vực sẽ cần phải cởi mở nhập khẩu bí quyết, công nghệ, hệ thống sản xuất và hệ thống hậu cần thông qua đầu tư nước ngoài, cấp giấy phép, hoặc các quan hệ kinh doanh khác để vượt qua sự biệt lập.

Những điều kiện mới có thể tạo ra động lực mới phá bỏ các rào cản hội nhập khu vực, vốn đã kém xa so với các khu vực khác của thế giới.
 
Giáo dục cần phải phù hợp với yêu cầu công việc. Đào tạo kỹ thuật có thể đẩy nhanh tốc độ hấp thu các ý tưởng và thông lệ tốt nhất hiện có trên thế giới.
 
Với những ưu đãi phù hợp, chính sách công tạo môi trường cho tư nhân hành động: IFC đang tung ra Chương trình đầu tư E-4-E mới, Giáo dục để tạo việc làm, nhằm xúc tiến hợp tác công tư trong các chương trình đào tạo nghề và kỹ thuật theo nhu cầu.

Các lựa chọn kinh tế mà các nước thực hiện sẽ rất quan trọng. Việt Nam và Algeria đều là thuộc địa của Pháp, trải quả chiến tranh dân sự trong nhiều năm. Việt Nam đã có sáng kiến và chớp lấy cơ hội mở cửa trong nước cho thị trường và công nghệ quốc tế dựa vào mô hình thành công của một số nước châu Á. Mô hình thành công ở một số nước Ả Rập sẽ là ví dụ cho những nước khác. Có rất nhiều con đường dẫn đến sự thịnh vượng, nhưng người ta phải chọn lựa một con đường. Không hành động sẽ không dẫn đến đâu.

Và Mạng lưới an sinh xã hội
 
Trên thực tế, trong ngắn hạn, việc làm thì khan hiếm còn chính trị luôn phong phú.
 
Chúng ta biết rằng theo thời gian, an sinh xã hội tốt nhất chính là một công việc.
 
Nhưng trong ngắn hạn, hệ thống an sinh tốt nhất là một mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả - có hiệu năng, hiệu lực và không làm tê liệt nền kinh tế.
 
Giá thực phẩm, nhiên liệu cao, tỷ lệ thất nghiệp cao và dưới áp lực chính trị, các chính phủ có xu hướng hỗ trợ các chương trình trợ cấp toàn diện hơn là trợ cấp có mục đích.
 
Tuy nhiên đối với nhiều quốc gia, với phần lớn các hộ gia đình sống bấp bênh gần giới hạn nghèo thì người nghèo và dễ bị tổn thương là những người cần được bảo vệ nhất.
 
Tại Djibouti, Ngân hàng thế giới đang tổ chức một hội chợ lao động để cải thiện dinh dưỡng cho người dân, và phát triển cộng đồng dựa vào nhu cầu; ở Jordan, chúng tôi đang xây dựng một mạng lưới an sinh mạnh mẽ hơn để chuẩn bị cho thời điểm khó khăn cho người Palestine; ở Lebanon và Jordan, chương trình của chúng tôi tập trung vào các thông tin và minh bạch hơn với các điểm tập trung đăng ký người thụ hưởng. Đây là một sự khởi đầu và có thể được tiếp tục phát triển tiếp. Ai Cập rất cần củng cố lại các chương trình về mạng lưới an sinh manh mún nhằm tiếp cận những người bị tổn thương trong xã hội.
 
Thông tin, cộng đồng, công dân và sự tham gia. Chúng ta đã có một vòng tròn đầy đủ.

Kết luận: Những gì chúng ta cần học hỏi để tiến lên phía trước

Rất ít người dám khẳng định là đã dự đoán được các sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi.

Chúng ta cần phải cẩn thận về những gì chúng ta giả định có thể xảy ra tiếp theo. Chúng ta phải phỏng đoán sự phát triển một cách khiêm tốn.
 
Thay vì chỉ nói về những gì chúng ta biết, chúng ta nên lo về những gì chúng ta còn chưa biết.
 
Thay vì tập trung vào những gì đã làm đúng, chúng ta nên lo lắng về những gì chúng ta đã sai. Những gì mà chúng ta bỏ quên; lúc chúng ta nói không đủ to; những nơi mà chúng ta tự kiểm duyệt – tiếng nói của công dân cũng như của chính chúng ta.
 
Chính trị và kinh tế là khác nhau. Nhưng xét về nhiều khía cạnh, chúng có điểm tương đồng.  Người dân, sáng kiến, tâm lý, bản chất con người, quản trị, sự lựa chọn, kết quả, trách nhiệm, minh bạch, an ninh, giới, sự tham gia, và tiếng nói. Đây có phải chỉ là những vấn đề chính trị hoặc chỉ là những vấn đề kinh tế? Hay có thể cả hai?

Liệu những gì đang diễn ra có thể giống như những năm 1848, 1968, 1979, hoặc 1989? Hay sẽ là một dấu ấn riêng của năm 2011, là năm mà chúng ta hiểu rằng sự tham gia của người dân vào các vấn đề phát triển là quan trọng, và rằng ngoài một số chế độ thay đổi, có nhiều điều khác cũng thay đổi theo.

Api
Api

Welcome