THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Triển vọng sáng sủa, hứa hẹn tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 2,7%

4 Tháng 6 Năm 2017


Các nước xuất khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng trưởng trở lại sau khi giá xuất khẩu chạm mức thấp kỷ lục

OA-SINH-TƠN, ngày 4/6/2017— Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trở lại và đạt mức 2,7% năm 2017 nhờ mức tăng sản xuất và thương mại, tăng niềm tin thị trường, tăng giá nguyên vật liệu giúp các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển dựa vào xuất khẩu nguyên vật liệu tăng trưởng trở lại.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu do Ngân hàng Thế giới công bố tháng 6/2017 các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng tốc và đạt mức tăng trưởng 1,9% năm 2017 và sẽ tác động tích cực lên các đối tác thương mại của các nước này. Điều kiện tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục thuận lợi, và giá nguyên vật liệu đã ổn định. Trong bối cảnh đó các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng chung cả nhóm là 4,1% năm nay, tăng hơn so với mức 3,5% năm 2016.

7 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới dự kiến sẽ tăng và vượt tỉ lệ tăng trưởng trung bình dài hạn vào năm 2018. Sự phục hồi kinh tế tại các nước này sẽ có tác động tích cực và đáng kể lên các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển và đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Mặc dù vậy vẫn còn một số rủi ro đáng kể đe dọa viễn cảnh tăng trưởng. Những biện pháp hạn chế thương mại mới sẽ làm giảm sức bật thương mại toàn cầu. Bất ổn chính sách kéo dài cũng làm giảm niềm tin và đầu tư. Mặc dù bất ổn trên thị trường tài chính đang ở mức thấp đặc biệt nhưng các rủi ro chính sách buộc người ta phải đánh giá lại thị trường và tốc độ bình thường hóa chính sách tiền tệ diễn ra một cách chậm chạp tại các nước phát triển có thể gây biến động trên thị trường tài chính. Về dài hạn, mức tăng năng suất lao động và mức đầu tư thấp sẽ làm xói mòn viễn cảnh tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển và ảnh hưởng tới công cuộc giảm nghèo tại các nước này.

“Tăng trưởng chậm đã kìm hãm tiến bộ và cuộc chiến chống đói nghèo quá lâu. Thật là một tín hiệu khích lệ khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại,” chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim nói. “Tiến trình hồi phục đã bắt đầu, và tuy còn mỏng manh nhưng các nước cần nắm bắt cơ hội để thực hiện cải cách thể chế và thị trường nhằm thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng bền vững. Các nước cần tiếp tục đầu tư vào con người, nâng cao năng lực đề kháng trước các thách thức chồng chéo bao gồm biến đổi khí hậu, xung đột, chạy loạn, nạn đói và dịch bệnh.”

Báo cáo lưu ý mối quan ngại về tình trạng nợ và thâm hụt tăng tại các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển làm cho lãi suất có thể tăng đột ngột hoặc làm cho điều kiện vay vốn bị thắt chặt hơn và dẫn đến hậu quả tiêu cực. Vào thời điểm cuối năm 2016 nợ chính phủ đã vượt mức 2007 tương ứng với 10 điểm phần trăm GDP tại trên một nửa số nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển; cán cân tài khóa tại 1/3 các nước này xấu đi so với năm 2007 tương ứng với 5 điểm phần trăm GDP.  “Tin vui ở đây là thương mại đã hồi phục,” ông Paul Romer, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nói. “Đầu tư vẫn còn yếu và gây lo ngại. Vì vậy ta phải chuyển hướng ưu tiên và cấp vốn cho những dự án hứa hẹn sẽ kéo theo đầu tư tư nhân.”

Đểm sáng trong tiến trình này là thương mại đã tăng trở lại và đạt mức 4% sau khi xuống thấp mức kỷ lục 2,5% sau khi trải qua khủng hoảng vào năm ngoái. Báo cáo cũng hướng sự chú ý tới một điểm yếu trong thương mại toàn cầu, đó là giao dịch buôn bán giữa các doanh nghiệp không cùng sở hữu. Thương mại dựa trên các kênh thuê ngoài (outsource) đã giảm nhanh hơn mức giảm giao dịch nội bộ trong một số năm gần đây. Nhân sự việc này, báo cáo kêu gọi chú ý đến tầm quan trọng của mạng lưới thương mại toàn cầu lành mạnh đối với các doanh nghiệp có mức độ liên kết thấp. Đây chính là các doanh nghiệp chiếm đa số.

“Sau thời kỳ trầm lắng kéo dài, sự hồi phục trở lại các hoạt động kinh tế gần đây tại các nền kinh tế mới nổi hàng đầu là tín hiệu đáng hoan nghênh đối với tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới”, ông Ayhan Kose, Giám đốc Viễn cảnh kinh tế phát triển thuộc Ngân hàng Thế giới nói. “Bây giờ đã đến lúc các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển nhìm lại các yếu kém của mình và tăng cường khoảng đệm chính sách để đối phó với các cú sốc.”

Viễn cảnh khu vực

Đông Á Thái Bình Dương: Tốc độ tăng trưởng khu vực sẽ đạt 6,2% năm 2017 và 6,1% năm 2018 do mức sụt giảm tại Trung Quốc được bù trừ bởi tăng trưởng tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu và tốc độ tăng trưởng đang tăng tại Thái Lan. Tăng trưởng tại Trung Quốc dự kiến sẽ xuống còn 6,5% năm nay và 6,3% năm 2018. Trừ Trung Quốc, toàn khu vực sẽ đạt mức trên 5,1% năm nay và 5,2% năm 2018. In-đô-nê-xi-a sẽ tăng trưởng 5,2% năm 2018, 5,3% năm 2018 do tác động của chính sách thắt chặt tài khóa đã giảm nhẹ và đầu tư tư nhân tăng nhờ giá nguyên vật liệu tăng nhẹ, cầu bên ngoài tăng, và các biện pháp cải cách làm tăng mức độ niêm tin. Tăng trưởng tại Phi-lip-pin dự kiến ổn định ở mức 6,9% năm nay và sang năm nhờ đầu tư công và tư đều tăng. Tương tự, Thái Lan cũng ổn định mức tăng trưởng 3,2% năm nay và 3,3% sang năm nhờ tăng đầu tư công và tiêu dùng cá nhân.

Châu Âu và trung Á: Dự kiến mức tăng trưởng tại khu vực châu Âu và Trung Á sẽ tăng và đạt 2,5% năm 2017, 2,7% năm 2018 nhờ xu thế hồi phục tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, rủi ro địa chính trị và bất ổn chính sách tại các nền kinh tế chính được tháo gỡ. Nga sẽ tăng trưởng 1,3% năm 2017 sau khi bị suy thoái 2 năm liên tiếp; sang năm 2018 nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,8% nhờ tiêu dùng tăng. Kazakhstan sẽ tăng trưởng 2,4% năm nay và 2,6% năm 2018 do giá dầu tăng và do áp dụng các chính sách kích cầu. Trong số các nhà nước nhập khẩu nguyên vật liệu, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tăng trưởng 3,9% năm 2018 nhờ các yếu tố gây bất ổn suy giảm và bảng cân đối các doanh nghiệp được cải thiện.

Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê: Tăng trưởng khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê dự kiến sẽ tăng và đạt 0,8% năm 2017 do Brazil và Argentina thoát khỏi suy thoái và giá nguyên vật liệu tăng đã có tác động tích cực lên các nước xuất khẩu nông sản và năng lượng này. Brazil sẽ tăng trưởng 0,3% năm 2017, 1,8% năm 2018; Argentina sẽ tăng trưởng 2,7% năm nay. Tăng trưởng tại Mexico sẽ giảm xuống còn 1,8% năm nay chủ yếu do đầu tư thu hẹp bởi bất ổn chính sách tại Hoa Kỳ nhưng sẽ tăng trở lại và đạt 2,2% năm 2018. Dự kiến giá kim loại tăng sẽ có lợi cho Chi-lê và sản xuất đồng sẽ phục hồi sau đình công. Chi-lê dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng nhẹ 1,8% năm nay và 2,0% sang năm. Tại khu vực Ca-ri-bê, cầu về du lịch sẽ giúp đạt mức tăng trưởng 3,3% năm 2017 và 3,8% năm 2018.

Trung Đông và bắc Phi: Mức tăng trưởng các nước trong khu vực dự kiến sẽ giảm xuồng còn 2,1% năm 2017 do OPEC cắt giảm sản lượng và gây tác động lớn hơn tác động tích cực lên các nước nhập khẩu dầu. Tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên mức 2,9% năm 2018 nếu căng thẳng địa chính trị giảm nhẹ và giá dầu tăng. Tăng trưởng tại Ả-rập Xê-út, nền kinh tế lớn nhất khu vực, sẽ giảm nhẹ xuống còn 0,6% do cắt giảm sản lượng dầu, sau đó sẽ tăng 2% năm 2018. Cộng hòa Hồi giáo I-ran sẽ giảm tăng trưởng xuống còn 4% năm nay và lại tăng nhẹ lên 4,1% năm 2018 do chỉ còn ít khả năng tăng sản lượng dầu và khó tiếp cận vốn. Ai-cập dự kiến sẽ tăng trưởng nhẹ năm nay, và sang năm sẽ tăng tốc trong kỳ trung hạn nhờ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nam Á: toàn khu vực sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2017 và 7,1% năm 2018 do cầu trong nước và xuất khẩu tăng mạnh. Trừ Ấn Độ, toàn khu vực sẽ duy trì mức tăng 5,7%, sau đó sẽ tăng lên 5,8%, trong đó tốc độ tăng trưởng sẽ tăng tại Bhutan, Pakistan, và Sri Lanka nhưng sẽ giảm tại Bangladesh và Nepal. Ấn Độ dự kiến sẽ tăng tốc và đạt mức 7,2% trong năm tài khóa 2017 (1/1/2017 – 31/3/2018) và 7,5% sang năm. Pakistan dự kiến cũng sẽ tăng tốc và đạt mức 5,2% trong năm tài khóa 2017 (1/7/2016 – 30/6/2017) và 5,5% trong năm tài khóa 2018 nhờ tăng đầu tư tư nhân, tăng cường cung cấp năng lượng và tình hình an ninh được cải thiện. Sri Lanka cũng tăng và đạt mức 4,7% năm 2017 và 5,0% năm 2018 nhờ các chương trình của các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ cải cách kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế tư nhân.

Tiểu Saharan châu Phi: Tỉ lệ tăng trưởng khu vực dự kiến sẽ tăng và đạt 2,6% năm 2017 và 3,2% năm 2018 nhờ giá nguyên vật liệu tăng nhẹ và cải thiện cán cân kinh tế vĩ mô. Nhưng sản lượng trung bình đầu người sẽ giảm 0,1% năm 2017 và tăng 0,7% giai đoạn 20180-2019. Tốc độ tăng trưởng đó sẽ không đủ để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trong khu vực, nhất là trong trường hợp các yếu tố hạn chế tăng trưởng vẫn tồn tại dai dẳng. Nam Phi dự kiến sẽ tăng trưởng 0,6% trong 2017 và tiếp tục tăng lên mức 2,4% năm 2018. Tăng trưởng tại các nước không thâm dụng tài nguyên cũng sẽ ổn định nhờ đầu tư vào hạ tầng, khu vực dịch vụ tăng trưởng tốt và sản xuất nông nghiệp hồi phục. Ethiopia dự kiến sẽ tăng trưởng 8,3%, Tanzania tăng 7,2%, Côte d’Ivoire tăng 6,8%, và Senegal tăng 6,7% năm 2017.

Liên hệ truyền thông
In Washington:
Mark Felsenthal
tel : (202) 458-0051
mfelsenthal@worldbank.org
Phil Hay
tel : (202) 473-1796
phay@worldbank.org
For Broadcast Requests:
Lysette Cohen
tel : (202) 473-2639
lcohen1@worldbankgroup.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2017/265/DEC

Api
Api

Welcome