THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ngân hàng Thế giới và Việt Nam ký kết gần 1 tỷ đô la Mỹ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và cải cách

12 Tháng 1 Năm 2012




Hà Nội, ngày 12 tháng 1, năm 2012 – Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký kết một khoản vay IBRD và bốn khoản tín dụng IDA, tổng trị giá 973,5 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và ghi nhận các cải cách gần đây của Việt Nam. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (613,5 triệu đô la), Dự án Phát triển Thành phố hạng trung (210 triệu đô la) và Khoản Tín dụng Giảm nghèo 10 (150 triệu đô la).

“Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Thế giới cung cấp tài chính phát triển đường cao tốc ở Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự ghi nhận của chúng tôi về nhu cầu của Việt Nam đối với cơ sở hạ tầng hiện đại trong khi Việt Nam đang giải quyết những thách thức mới của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Các khoản tín dụng khác ký kết ngày hôm nay được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng đô thị tại ba thành phố hạng trung với tiềm năng phát triển trong khu vực, và đóng góp vào việc thực hiện cải cách gần đây của Việt Nam.”

Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ xây dựng một tuyến đường cao tốc nhằm tăng cường tính hiệu quả và an toàn cho người tham gia giao thông giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi, và xây dựng năng lực thể chế cho việc phát triển đường cao tốc của Bộ Giao thông Vận tải của Việt Nam. Đường cao tốc sẽ kết nối từ Quốc lộ 1A tới khu vực phía nam Thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Quảng Ngãi, và sau đó trở lại Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đường cao tốc ở miền Trung Việt Nam sẽ cung cấp các năng lực cần thiết cho phát triển trong tương lai, giúp giảm tai nạn giao thông và tạo thuận lợi cho cả thương mại trong nước và quốc tế thông qua hội nhập khu vực.

Dự án Phát triển Thành phố hạng trung dự kiến sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn cho 520.000 dân ở các thành phố Lào Cai, Phủ Lý và Vinh. Quyết định tập trung vào các thành phố cỡ trung bình phản ánh tầm quan trọng của việc phát triển cân bằng và bình đẳng trong cả nước mà Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới muốn đảm bảo. Với dự án này, người dân ở ba thành phố dự kiến sẽ hưởng lợi từ tiếp cận với nguồn nước và vệ sinh được cải thiện, hệ thống giao thông tốt hơn, và một quy hoạch quản lý tài sản đô thị toàn diện và bền vững.

Trong khi đó, Khoản tín dụng Giảm nghèo 10 (PRSC10) hỗ trợ các cải cách chính sách và thể chế theo 4 chủ đề chính của Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 2006-2011 (SEDP), cụ thể là Phát triển Môi trường Kinh doanh, Hòa nhập Xã hội, Quản lý Tài nguyên thiên nhiên và Quản trị hiện đại. Hoạt động này bao gồm các hành động chính sách trong một loạt các lĩnh vực như tài chính, quản lý tài chính công, xã hội, quản lý môi trường, và hành chính công. Chương trình toàn diện này góp phần tạo điều kiện cần thiết cho tăng trưởng bền vững, hòa nhập xã hội, bền vững môi trường và quản trị được cải thiện. Các hoạt động này nhằm mục tiêu duy trì động lực cho cải cách cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam thành quốc gia có thu nhập trung bình. PRSC 10 là hoạt động cuối cùng trong chuỗi 10 khoản tín dụng, nhằm hỗ trợ cải cách của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và các cơ quan chính phủ.

Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) là bộ phận của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các nước nghèo nhất thế giới. Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD) là cơ quan trực thuộc Ngân hàng Thế giới cung cấp các khoản vay không ưu đãi cho các nước có uy tín tín dụng và các nước thu nhập trung bình.

Liên hệ truyền thông
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : +84.4.3.9346600 – 234
nnguyen5@worldbank.org



Api
Api

Welcome