THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Việt Nam: Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng cho phát triển dài hạn

8 Tháng 12 Năm 2010




Hà Nội, ngày 8 tháng 12 năm 2010 – Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã kết thúc ngày hôm nay sau hai ngày thảo luận, với cam kết mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với tư cách là nước thu nhập trung bình.

Tại hội nghị, Chính phủ và các đối tác phát triển đã thảo luận nhiều vấn đề kinh tế xã hội quan trọng mà Việt Nam đối mặt khi bước vào giai đoạn phát triển mới, sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức. Đại biểu đã thảo luận các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường quản trị nhà nước, giảm thiểu tham nhũng, làm cho phát triển bền vững và hòa nhập hơn, cũng như bàn về tương lai của quan hệ đối tác phát triển khi Việt Nam đã là quốc gia có thu nhập trung bình.

Các đối tác phát triển cam kết 7,905 tỷ đô la Mỹ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung vào các khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững.

Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã tham dự phiên họp đầu tiên vào sáng ngày 7 tháng 12 và đưa ra đánh giá tổng thể về tình hình phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam gần đây. Phó thủ tướng nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện 3 lĩnh vực phát triển đột phá được nêu ra trong Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 10 năm và Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm, bao gồm “hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.”

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của ODA trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2015. ODA sẽ đóng góp đáng kể vào tổng vốn đầu tư cần thiết cho kế hoạch phát triển dài hạn của Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam trân trọng và sẽ nỗ lực hết sức để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả nhất.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC KHI VIỆT NAM TRỞ THÀNH QUỐC GIA CÓ THU NHẬP TRUNG BÌNH 

Các đối tác phát triển đã thảo luận với Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế vĩ mô gần đây và bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn gia tăng của nền kinh tế vĩ mô, đồng thời đưa ra một số giải pháp khuyến nghị. Đại Sứ Úc, Ông Allaster Cox, thay mặt các đối tác phát triển, nhấn mạnh rằng ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề cho Việt Nam phát triển kinh tế- xã hội với tư cách là một nước thu nhập trung bình. Để duy trì sự ổn định, các biện pháp thương mại bắt buộc tạm thời như đăng ký giá mới và các hệ thống cấp phép nhập khẩu không thể là các giải pháp lâu dài.

Để giải quyết vấn đề bất ổn, ông Masato Miyazaki, Trưởng phòng, Vụ Châu Á Thái Bình Dương của IMF kêu gọi Việt Nam tăng hơn nữa lãi suất cơ bản và củng cố tài khóa, cải thiện hệ thống tài chính và tăng cường thông tin cho thị trường. Ông cũng đề xuất Chính phủ cần chuyển đổi từ quản lý và điều tiết trực tiếp sang hướng sử dụng các công cụ gián tiếp.

Tại hội nghị, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam nhận định mặc dù Việt nam tận dụng cơ hội quá trình gia nhập WTO để đẩy mạnh tốc độ cải cách, hiệu quả và năng lực của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được cải thiện.

Ông cũng nhấn mạnh cần phải tách vai trò quản lý và sở hữu của Nhà nước, và khuyến khích Chính phủ để doanh nghiệp nhà nước hoạt động trên các nguyên tắc thương mại và trên sân chơi bình đẳng với khu vực tư nhân.

Các đối tác phát triển nhấn mạnh nhu cầu cần minh bạch hơn và quản trị nhà nước hiện đại, là chìa khóa để phát triển khối kinh tế nhà nước hiệu quả, có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội và tránh các vấn đề tương tự như Vinashin trong tương lai.

Đại sứ Thụy Điển, ông Staffan Herrström thay mặt các đối tác phát triển nêu bật tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề tham nhũng. Ông nhấn mạnh cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong các lĩnh vực tăng cường tính minh bạch, tiếp cận thông tin, phát triển nền thông tin đại chúng mạnh và tự do, nâng cao chế độ pháp quyền, tăng cường tính độc lập của tòa án và tăng sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự.

Các đối tác phát triển khuyến khích Chính phủ cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, xã hội dân sự, công dân và báo chí trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Ngoài ra, các đối tác phát triển cũng nhấn mạnh yêu cầu cần có các biện pháp bổ sung để giải quyết tham nhũng như đưa ra quy định pháp luật bảo vệ người tố cáo, cải cách tiền lương cho công chức nhà nước, tuyển dụng công chức, viên chức nhà nước dựa trên năng lực.

ƯU TIÊN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Chính phủ và các đối tác phát triển thống nhất về những thách thức dài hạn của biến đổi khí hậu và cam kết sẽ cùng hành động để giải quyết những thách thức này. Thay mặt cho các đối tác phát triển, bà Jennifer Sarah, Giám đốc Ban Phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới tại Việt nam đã lưu ý Chính phủ không chỉ về vấn đề sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững mà còn về các thách thức quốc gia, bao gồm nạn ô nhiễm nước và không khí, cũng như thách thức mang tính toàn cầu như hiệu ứng nhà kính, những thiệt hại không khắc phục được trong đa dạng sinh học và môi trường sống.

Ông Henning Plate, Tham tán Phát triển, thay mặt ĐSQ Cộng hòa Liên bang Đức, ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vấn đề khí hậu vào Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội đến năm 2020 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội đến năm 2015, cũng như trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành và địa phương. Mặc dù có thể nhận được nhiều hỗ trợ về tài chính để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cần thêm nhiều vốn từ nguồn trong nước và tư nhân. Về điểm này, các đối tác phát triển kêu gọi Chính phủ cần sử dụng một cách có chiến lược nguồn hỗ trợ tài chính cho biến đổi khí hậu và các Bộ, ban ngành, địa phương cần có nguồn hỗ trợ tài chính để nâng cao năng lực, hỗ trợ kĩ thuật và đầu tư.

Nhiều đối tác phát triển nhất trí rằng Việt Nam cần duy trì phát triển kinh tế, trong đó nguồn cung cấp năng lượng bền vững và phát triển nền kinh tế các bon thấp. Các đối tác phát triển cũng chúc mừng Việt Nam đã đưa ra được nhiều kế hoạch giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường bền vững. Ngoài ra, các đối tác phát triển cũng khuyến khích Chính phủ cần thực hiện các biện pháp này nhanh, hiệu quả và thực chất hơn.

ĐẢM BẢO HỘI NHẬP XÃ HỘI

Thay mặt các đối tác phát triển, bà Fiona Lappin, Trưởng đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế của Anh cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành dự thảo mới Chiến lược Giảm nghèo 2011-2020 và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo Bền vững 2011-2015. Đây là những trụ cột còn lại cuối cùng trong năm nhóm trụ cột của Chiến lược Bảo trợ Xã hội.

Với việc đặc điểm nghèo đói thay đổi, các đối tác phát triển khuyến nghị Chính phủ cần tập trung nhiều nguồn lực trong công tác xóa đói giảm nghèo và có tính đối tượng hơn nữa.

Về vấn đề bảo trợ xã hội, ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam thay mặt các đối tác phát triển hoan nghênh bản dự thảo Chiến lược Bảo trợ Xã hội của Chính phủ và hy vọng Chiến lược này sớm được thông qua. Ông cũng khuyến nghị Chính phủ cần đảm bảo việc thực hiện Chiến lược Bảo trợ Xã hội theo cách tiếp cận liên ngành chặt chẽ. Đồng thời, việc thực hiện cũng cần giải quyết được các nhu cầu của những nhóm thứ yếu, như người sống chung với HIV, người khuyết tật và phụ nữ và người di cư. Các đối tác phát triển cũng nhấn mạnh yêu cầu cần tăng cường tài chính cho phòng chống HIV/AIDS từ nguồn lực của Việt nam.

TƯƠNG LAI CỦA QUAN HỆ ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN KHI VIỆT NAM GIA NHẬP NHÓM QUỐC GIA CÓ THU NHẬP TRUNG BÌNH

Các đối tác phát triển và Chính phủ nhất trí về mối quan hệ đối tác mới để ODA tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn cho Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 10 năm và Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm tiếp theo.

Ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện của JICA, đồng chủ tọa Diễn đàn Hiệu quả Viện trợ ở Việt Nam khẳng định đối tác phát triển sẽ ủng hộ xây dựng và triển khai Đề án thu hút và sử dụng ODA. Các đối tác phát triển sẽ tiếp tục cùng thúc đẩy chương trình hiệu quả viện trợ và hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị một Khung chính sách mới để giải quyết các vấn đề chính trong hiệu quả viện trợ. Các đối tác phát triển cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy hiệu quả viện trợ vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển của Việt Nam vào năm 2015.

Trong phiên bế mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã cám ơn các đối tác phát triển đã luôn giúp đỡ Việt Nam trong giai đoạn phải đối mặt với các thách thức khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. “Chính phủ Việt Nam hi vọng rằng các đối tác phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới.”

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa lưu ý Việt Nam hiện đang ở thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển. Các đối tác phát triển luôn sẵng sàng ủng hộ Chính phủ xác định lại hướng tiếp cận trong tất cả các lĩnh vực thảo luận tại hội nghị lần này để giúp Việt Nam đáp ứng tốt hơn với những thay đổi trong nước và quốc tế.

Liên hệ truyền thông
Nguyễn Hồng Ngân
tel : 39346600 máy lẻ: 234
nnguyen5@worldbank.org



Api
Api

Welcome