PHÓNG SỰ

Từ đĩa CD đến điện toán đám mây: Mở cửa nguồn tài liệu trực tuyến về phát triển

1 Tháng 7 Năm 2014



Các nét chính của bài viết
  • Phần lớn bạn đọc ở các thư viện Việt Nam coi Internet là nguồn thông tin chủ yếu về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội.
  • Từ tháng 4/2010, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã cho phép truy cập miễn phí toàn bộ dữ liệu và tài liệu trên Internet.
  • Tăng cường tiếp cận với các nguồn dữ liệu giúp các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu, và người dân ra quyết định đúng đắn và tìm kiếm giải pháp mới.

10 năm trước đây, ông Lê Thành Nhân, khi đó còn là sinh viên trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thường phải đến thư viện trường mượn các đĩa CD-ROM để tìm hiểu thông tin cập nhật của Ngân hàng Thế giới. Ông Nhân thường phải chờ vài ngày mới đến lượt vì tài liệu khi đó còn hiếm. Nay đã là giảng viên của trường ông Nhân có cơ hội truy cập cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới dễ dàng và hiệu quả hơn.

“Bây giờ mọi thứ đều có trên Internet, rất nhanh và tiện lợi,” ông Nhân nói.

Bây giờ, ông Nhân và các sinh viên không còn phải xếp hàng chờ đợi hàng ngày để mượn đĩa CD-ROM nữa vì từ tháng 4/2010, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã cho phép truy cập miễn phí trên 2.000 bộ số liệu thống kê mà trước đây phải trả tiền. Đó là các số liệu thống kê về nhiều chủ đề phát triển và chuỗi thời gian báo cáo lên đến 50 năm. Hiện nay công chúng có thể truy cập 7.000 chỉ số khác nhau.

Chủ trương phát triển tập trung vào người dân của Ngân hàng Thế giới mang tên “Phát triển Mở” luôn đề cao minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân. Các bộ phận chính của sáng kiến này là Dữ liệu và Kiến thức mở, Hoạt động và Công cụ mở, và Giải pháp mở.

“Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới khách quan, minh bạch, đáng tin cậy, và được cập nhật thường xuyên,” ông Nhân nói.

Đáp ứng đòi hỏi ngày càng tăng và biến đổi không ngừng về kiến thức

Số người sử dụng Internet tại Việt Nam tăng nhanh, và tỉ lệ sử dụng hiện nay là gần 40% - theo báo cáo năm 2004 của We Are Social, một công ty chuyên về tư vấn và nghiên cứu về tiếp thị số. Một cuộc điều tra tiến hành trên 500 người thường sử dụng thư viện tại 8 thư viện công cộng và của trường đại học trên cả nước cho thấy trên 80% coi Internet là nguồn thông tin chủ yếu về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội.

“Trong thời đại kỹ thuật số, người ta ít trực tiếp đến thư viện hơn,” bà Vũ Thị Nha, cán bộ thư viện tại Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.

“Cung cấp các sản phẩm tri thức trực tuyến sẽ giúp bạn đọc tiếp cận nguồn thông tin đa dạng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và không mất chi phí, chỉ cần có máy tính, hay thiết bị di động và kết nối Internet là được.”

“Trước đây chúng tôi phải đến thư viện vì đó là nguồn thông tin duy nhất, nhưng bây giờ chúng tôi có thễ dễ dàng truy cập thông tin qua Internet,” ông Huỳnh Công Bằng, bác sĩ tại bệnh viện Mỹ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, nói. ông Bằng bắt đầu sử dụng nguồn thông tin trực tuyến của Ngân hàng Thế giới từ năm 2011 khi còn là sinh viên Đại học Y Dược Cần thơ. Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới về chính sách y tế là nguồn thông tin quí giá đối với luận án tốt nghiệp của Bằng. Các thông tin đó cũng giúp Bằng đưa ra quyết định đúng đắn cho sự nghiệp của mình.

“Tôi đã giới thiệu nguồn thông tin này cho hơn 30 người bạn của mình,” ông Bằng nói



" Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới khách quan, minh bạch, đáng tin cậy, và được cập nhật thường xuyên. "

Lê Thành Nhân

Giảng viên, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh


Hỗ trợ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam

Tăng cường tiếp cận nguồn số liệu cũng giúp các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu, nhà báo và xã hội dân sự theo dõi tác động chính sách, tìm kiếm giải pháp mới và đo lường tiến bộ chính xác hơn.

Bà Vũ Thị Hương Giang, phóng viên báo Tuổi trẻ, một tờ báo được đọc nhất Việt Nam đã sử dụng trang web của Ngân hàng Thế giới từ nhiều năm nay.

“Tôi thường xuyên thu thập và xử lý số liệu về kinh tế xã hội trên thế giới phục vụ cho công việc của mình. Vì vậy, số liệu của Ngân hàng Thế giới rất quan trọng đối với tôi, nhất là khi số liệu thống kê về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam còn rất hạn chế,” bà Giang nói.

Một người sử dụng lâu năm website của Ngân hàng Thế giới, từ năm 2002, ông Tôn Thất Sơn Phong, giám đốc dự án Năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm cho biết số liệu trên trang web đã giúp đỡ ông rất nhiều trong công việc.

“Các tài liệu về những dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ ở 1 số quốc gia và chiến lược đối tác quốc gia đã giúp tôi có nhiều ý tưởng khi chuẩn bị và thực hiện dự án,” ông Phong nói. “Ngoài ra, hướng dẫn mới đây về thực hiện dự án và báo cáo tiến độ các dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tại Việt Nam và các nước khác cũng giúp tôi đánh giá, so sánh với tiến độ dự án của mình.”


Api
Api

Welcome