PHÓNG SỰ

Việt nam: Bảo đảm tương lai thông qua việc chính thức hóa quyền sử dụng đất

18 Tháng 1 Năm 2011

Các nét chính của bài viết
  • • Dự án Quản lý Đất đai Việt nam đã được Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Úc thực hiện từ hai năm qua tại chín tỉnh thành trên cả nước.
  • • Dự án này tập trung vào việc nâng cao nhận thức về quyền sử dụng đất và nâng cao sự tham gia của cộng đồng trong quá trình làm giấy sở hữu.
  • • Dự án cũng đặc biệt chú trọng tới việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Sơn Tân, tháng 5/2011 - Tiếng chiêng rộn rã của người Đắk Lây ngân vang lên trong buổi lễ nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, miền Trung Việt Nam. Mặc dù đã định cư và được Nhà nước giao đất từ những thập kỷ trước nhưng phải đến tận hôm nay họ mới có giấy và hiểu quyền lợi mà giấy chứng nhận mang lại.

Ông Hán Văn Hảo, dân tộc Chăm, trồng rất nhiều xoài, mít, bưởi, chuối trên diện tích đất vườn gần một ha để kiếm thêm thu nhập lo cho cậu con trai đang học trên thành phố.

“Trước kia ở đây được giao đất nhưng  chưa được quyền sử dụng đất đai nhưng mà sắp tới nghe nói có quyền sử dụng đất đai. Đó là điều phấn khởi và mừng vì từ nay mình có quyền sử dụng đất của mình. Thứ nhất được cấp giấy chứng nhận thì mình có quyền sang nhượng, thừa kế cho con cái. Muốn phát triển kinh tế thì có thể thế chấp ngân hàng để vay vốn để làm ăn. Làm ăn thì nó có cơ sở đi lên. Đi lên thì thực sự mà nói là toàn dân ở đây chứ ko phải riêng mình."


Chị Mấu Thị Hồng, dân tộc Đăk lây, 31 tuổi, ngồi trong căn nhà sau khi nhận được giấy, đã nói: “Em thấy rất mừng, từ trước đến bây giờ mình chỉ biết mình sử dụng đất. Mình cứ thấy đất là mình làm, ko biết nó thuộc về mình mà. Bữa nay nhà nước quan tâm, nhà nước cấp giấy em rất là mừng.”

Hiện nhà chị đang sống dựa vào đàn bò 5 con nhưng chị hy vọng có thể thế chấp sổ đỏ để vay vốn mua một đàn bò 10-15 con để thoát nghèo.

Giấy chứng nhận được giao chính là kết quả của Dự án Quản lý Đất đai do Bộ Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Úc. Được thực hiện khoảng 2 năm nay trên 9 tỉnh thành Việt Nam như Khánh Hòa, Hưng Yên…, dự án có nhiều điểm mới so với các chương trình đo đạc địa chính và cấp sổ đỏ khác mà Nhà nước đã và đang tiến hành. Khác biệt lớn nhất là khâu tuyên truyền và đối tượng được đặc biệt quan tâm trong công tác này là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Lê Mộng Điệp – Giám đốc Sở tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa, Giám đốc dự án VLAP của tỉnh cho biết: “Chúng tôi biết  khâu khó khăn nhất là người hưởng lợi người ta ko biết được quyền và lợi ích của mình như thế nào nên chúng tôi phải tập trung làm công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn, đặc biệt là với các đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nhóm người mà  hiểu biết về quyền sử dụng đất  còn chưa bằng đồng bào người kinh, thì chúng tôi lại càng phải tập trung hơn cho họ thấy quyền và lợi ích hợp pháp.”

Khi người dân đã hiểu và làm đơn xin cấp giấy và xác định ranh giới đất, họ được miễn chi phí làm sổ đỏ, và thời gian cũng được giảm thiểu nhờ hướng dẫn tỉ mỉ của các cán bộ dự án.

 “Ở đây khi làm chứng nhận sử dụng đất, tôi hướng dẫn đoàn đi đo cụ thể diện tích từng hộ, sau đó bảo bà con chuẩn bị giấy tờ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân để sau này rồi nhà nước sẽ cấp sổ đỏ cho bà con có quyền sử dụng đất,” ông Hảo nói.

Tên cả vợ và chồng đều được ghi trên giấy. Đây là một điều mới mẻ ở Việt Nam vì việc này chỉ được thực sự áp dụng vào cuộc sống từ năm 2003 với sự ra đời của Luật Đất đai mới. Như vậy, đứng về mặt luật pháp, cả hai vợ chồng đều có quyền sử dụng đất ngang nhau.

Chị Trần Thị Quế, tại thôn Đào Đặng, Hưng Yên nói: “Có tên vợ tên chồng thì nếu vợ chồng có trục trặc gì thì chồng ko thể nào nhận được (phần) của tôi”.

Ông Vũ Văn Bằng, người trong thôn, cũng đồng tình: “Sổ đỏ phải có tên cả vợ cả chồng chứ chỉ có chồng thì ông chồng mang đi đánh bạc là mất hết.”

Như vậy, dự án đã góp phần bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong việc sử dụng, sở hữu tài sản chung có giá trị lớn, trước những rủi ro như ly hôn hay mâu thuẫn trong gia đình.

Là một trong những dự án lớn nhất về quản lý đất đai mà Ngân hàng thế giới tài trợ trên thế giới, với tổng mức đầu tư là 100 triệu đô la, dự án còn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hiện đại hóa quản lý đất đai, cập nhật cơ sở dữ liệu, tăng cường hệ thống thông tin quản lý đất đai, hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ quản lý đất đai (như đăng ký chuyển nhượng, thế chấp, thừa kế) cho mọi đối tượng sử dụng đất. Bắt đầu từ tháng 9 năm 2008, tới nay, dự án đã thực hiện khảo sát và lập bản đồ địa chính cho gần 80% trong số gần 1 triệu hecta đất dự tính đo đạc trong 2 năm đầu.

Với những tiến bộ bước đầu này, vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo dự án thành công. Ông Nguyễn Thế Dũng – cán bộ dự án của Ngân hàng Thế giới, người trực tiếp phụ trách dự án này nói: “Còn 1 loạt các vấn đề mà các ủy ban nhân dân và các ban quản lý dự án phải làm để tạo diều kiện tốt hơn cho bà con trong việc thực hiện các quyền sử dụng đất của họ. ví dụ cập nhật  thông tin về đất đai, đào tạo nâng cao năng lực của các phòng đăng ký quyền sử dụng đất để có thể phục vụ tốt hơn các nhu cầu của bà con trong việc chuyển nhượng đất đai,  chuyển thừa kế hoặc làm các thủ tục thế chấp.”

Thời gian thực hiện dự án còn hơn ba năm nữa cho tới hết năm 2013. Sẽ còn nhiều người, nhiều gia đình  được hưởng niềm vui nhận sổ đỏ trong tay đảm bảo quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế gia đình như những bà con dân tộc ở đây. Với họ, niềm vui lớn hơn cũng là niềm vui được nhà nước quan tâm:

Ông Hảo nói: “Riêng tôi, toàn dân ở đây mong muốn sau này nhà nước cấp giấy chứng nhận rồi thì có vốn gì cho dân vay để làm sản xuất kinh doanh để đi lên và có chương trình hỗ trợ cho dân cho nó tốt đẹp.”

 


Api
Api

Welcome