THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Kiểm soát xung đột lợi ích tốt hơn có thể giúp tăng cường liêm chính và hiệu quả trong khu vực công

9 Tháng 11 Năm 2016


Hà Nội, ngày 9/22/2016 – Việt Nam có thể nâng cao liêm chính và hiệu quả của khu vực công bằng cách bổ sung quy định và pháp luật kiểm soát các hình thức xung đột lợi ích phổ biến như nhận quà biếu, ưu ái người thân, hoặc sử dụng thông tin nội bộ để trục lợi cá nhân, theo một báo cáo chung của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam được công bố ngày hôm nay, với hỗ trợ của Chính phủ Vương Quốc Anh.

Báo cáo "Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công – Quy định và thực tiễn ở Việt Nam", cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế trong ba thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường đã thúc đẩy tương tác ngày càng tăng giữa khu vực công và tư, và do đó cần phải giải quyết những xung đột lợi ích phát sinh trong quá trình tương tác này thông qua luật pháp và thực thi chính sách tốt hơn.

Nghiên cứu này là nỗ lực ban đầu để nhìn nhận vấn đề xung đột lợi ích ở Việt Nam,” theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. “Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu này là khuyến nghị các biện pháp cho Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức và giảm thiểu tình huống xung đột lợi ích mà công chức phải đối mặt trong công việc của mình, cải thiện chất lượng thể chế của khu vực công và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.”

Báo cáo cho thấy hiểu biết về xung đột lợi ích trong xã hội và trong bản thân cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhiều hình thức xung đột lợi ích khác nhau ở khu vực công đã trở thành luật chơi, gây suy giảm hiệu quả và liêm chính trong các thiết chế công.   

“Việt Nam khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng với thể chế hiện đại vào năm 2035,” theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. “Kiểm soát xung đột lợi ích là điều kiện thiết yếu để đạt được khát vọng đó, vì nó giúp định hình các thể chế, luật lệ và quy định của nhà nước và thị trường cho thế hệ tiếp theo".

Báo cáo dày 144 trang này đã đánh giá một cách toàn diện về mức độ phổ biến của xung đột lợi ích trong sáu lĩnh vực hoạt động của khu vực công: cung cấp dịch vụ công; tuyển dụng và bổ nhiệm, đấu thầu; cấp phép và phê duyệt dự án; thanh tra và kiểm tra; xử lý vi phạm.

Báo cáo với kết quả khảo sát người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức và viên chức cho thấy đòi hỏi ngày càng tăng của xã hội về sự minh bạch, hiệu quả và liêm chính trong các quyết định phân bổ nguồn lực công.

Báo cáo cũng cho thấy quản lý đấu thầu, cấp phép và phê duyệt dự án, bổ nhiệm và tuyển dụng là ba lĩnh vực với các tình huống xung đột lợi ích phổ biến nhất. Để kiểm soát xung đột lợi ích hiệu quả, báo cáo đưa ra ba nhóm khuyến nghị như sau:

  1. Nâng cao nhận thức và hiểu biết về xung đột lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân cũng như doanh nghiệp.
  2. Cải thiện chính sách và pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích. Báo cáo khuyến nghị chính phủ thông qua một định nghĩa thống nhất về xung đột lợi ích cũng như cơ chế ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm về xung đột lợi ích trong khuôn khổ pháp lý về quản trị công ở Việt Nam. Điều cần làm nữa là mở rộng phạm vi áp dụng của các quy định về xung đột lợi ích, như nhận quà biếu, việc làm ngoài công vụ, kê khai thu nhập - tài sản cho các chủ thể có quan hệ mật thiết với công chức.
  3. Phân công đầu mối theo dõi, hỗ trợ và khuyến nghị giải pháp xử lý vi phạm và tình huống liên quan đến xung đột lợi ích. Khuyến khích vai trò giám sát của xã hội, doanh nghiệp và báo chí cũng hết sức quan trọng để kiểm soát xung đột lợi ích.

“Kiểm soát xung đột lợi ích một cách hiệu quả không chỉ giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực công mà còn tăng cường liêm chính và phòng chống tham nhũng ở khu vực công. Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ nghiêm túc xem xét đưa ra các biện pháp cải cách thể chế trong lĩnh vực này”, theo lời của ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam.  

Liên hệ truyền thông
Tại Hanoi
Ngan Hong Nguyen
tel : +84 (4) 934-6600
nnguyen5@worldbank.org



Api
Api

Welcome