THÔNG CÁO BÁO CHÍ

“Ổn định kinh tế vĩ mô sẽ đảm bảo phát triển bền vững” – thông điệp của các đại biểu tham dự Hội nghị CG

10 Tháng 6 Năm 2011



Hà Tĩnh, 9 tháng 6, 2011 – Hội nghĩ giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra hôm nay tại Hà Tĩnh với sự tham gia của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã thảo luận và đánh giá kỹ về Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm mục tiêu phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.

Tại hội nghị, các Đối tác Phát triển đã chúc mừng sự thành công của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 11 và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ thực hiện Nghị quyết này. Chính phủ và các Đối tác Phát triển cũng đánh giá tác động của sự bất ổn kinh tế vĩ mô đối với người nghèo, các nhóm dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời thảo luận về các biện pháp bảo vệ người nghèo trước những tác động xấu. Các đại biểu cũng nghe báo cáo từ Diễn đàn Doanh Nghiệp và Diễn Đàn Hiệu quả Viện trợ, được tổ chức trước thềm hội nghị CG.

Phát biểu với hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ Chính phủ Việt Nam khẳng định duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu lâu dài. Chính phủ Việt Nam sẽ kiên trì triển khai thực hiện một cách bền vững các giải pháp đã được nêu ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhằm đạt được mục tiêu lâu dài nói trên.

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã chỉ ra những thách thức trong nước và quốc tế mà Việt Nam đang đối mặt. “Chính phủ Việt Nam lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 với 6 giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu trên. Chính phủ chỉ đạo sát sao các Bộ, ngành triển khai thực hiện đồng bộ và kịp thời các giải pháp đặt ra và hiện nay các giải pháp này đang phát huy hiệu quả, làm tăng lòng tin cho nhân dân và cộng đồng quốc tế trong và ngoài nước.”

ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

Các Đối tác Phát triển và Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận về việc thực hiện và các tác động của Nghị quyết 11 cho đến nay, cũng như làm thế nào đảm bảo hiệu quả lâu dài của Nghị quyết này. Các Đối tác Phát triển ghi nhận những tiến triển đáng khích lệ trong việc thực hiện nghị quyết này, đồng thời hy vọng Chính phủ sẽ quan tâm hơn đến các nguyên nhân có nguồn gốc cơ cấu của sự bất ổn bao gồm các chính sách tài khóa tốt, cải thiện công tác truyền thông và công khai thông tin và số liệu kinh tế.

Về việc thực hiện Nghị quyết 11, Trưởng đại diện Cao cấp của IMF tại Việt Nam, Ngài Benedict Bingham lưu ý, “dù đã đạt được những thành công bước đầu, niềm tin vào thành công chung của chiến lược này vẫn còn rất mong manh.” Ông cũng phát biểu thêm rằng “để cải thiện lòng tin, Chính phủ cần đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ rằng sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 cả sau năm 2011 và đặt ra các mục tiêu rõ ràng nhằm phục hồi và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn.”

Bày tỏ quan ngại về khả năng ngừng việc thực hiện Nghị quyết 11 sớm, Đại sứ Australia, Ngài Alastair Cox, đại diện các Đối tác Phát triển phát biểu: “Chúng tôi rất hoan nghênh Nghị quyết 11, và sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thực hiện đầy đủ Nghị quyết để khôi phục và duy trì lòng tin của thị trường. Quá trình này có thể sẽ kéo dài hơn sang năm 2012. Chúng tôi vẫn lo ngại rằng Việt Nam còn có thể hứng chịu các đợt bất ổn kinh tế vĩ mô khác, nếu không thực hiện các cải cách triệt để.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam, Ông Ayumi Konishi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn hiện tại, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rằng Việt Nam hiểu rõ được các vấn đề về cơ cấu, vì Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011-2020 được Đại hội Đảng thông qua vào tháng 1 năm nay đã nhận định rõ các thách thức qua ba lĩnh vực“đột phá” nhằm cải cách thể chế kinh tế, nâng cao kĩ năng cho nguồn nhân lực và giải quyết các nút thắt về cơ sở hạ tầng.”

BẢO VỆ NGƯỜI NGHÈO

Theo các Đối tác Phát triển, các chính sách, chương trình và cơ chế xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội thích hợp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo người nghèo sẽ được tiếp cận ngay với các biện pháp an sinh và trợ cấp xã hội khi khủng hoảng xảy ra. Tuy nhiên, bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao đã bộc lộ rõ hơn hạn chế của các hệ thống an sinh xã hội của Việt nam.

Thay mặt các đối tác phát triển, ông Bruce Campbell, quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam gửi thông điệp đến Chính phủ: “Cần có sự linh hoạt hơn để có thể giải quyết được những vấn đề mới đang nổi lên, và đảm bảo rằng nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương, như người nghèo đô thị, người nhiễm HIV và người khuyết tật, người lao động di cư và người lao động thuộc khu vực không chính thức, có thể tiếp cận với trợ cấp và hỗ trợ xã hội. Các dịch vụ bảo trợ xã hội, trong đó có hỗ trợ chăm sóc trẻ em, cũng là yếu tố quan trọng giúp phụ nữ có thể tiếp cận với các cơ hội việc làm chính thức.”

Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Ngài Sean Doyle phát biểu: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh chính sách bảo trợ xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ khẩn cấp cho những hộ gia đình nghèo nhất. Chúng tôi chúc Chính phủ sẽ thành công trong những nỗ lực của mình và đặc biệt hy vọng Chính phủ sẽ hỗ trợ một cách tốt nhất có thể cho những người nghèo nhất đang thực sự có nhu cầu. Chúng tôi khẳng định sẽ hỗ trợ Chính phủ trong công tác quan trọng này.”

Các Đối tác Phát triển hoan nghênh tiến trình Việt Nam thực hiện các biện pháp tiếp cận với chi phí thấp nhằm ngăn chặn sự lây lan, và chữa trị căn bệnh HIV-AIDS, như việc sử dụng chất methadone để cai nghiện. “Trong tương lai, chúng tôi hy vọng những phương pháp tiếp cận này sẽ được mở rộng, vì chúng giảm chi phí và vì vậy có thể dùng những ngưồn lực đó cho các ưu tiên xã hội khác,” Đại sứ Australia, Alastair Cox phát biểu thay mặt cho nhóm các Đại sứ quan tâm đến vấn đề HIV/AIDS.

Bà Heather Riddell, Đại sứ New Zealand, thay mặt cho nhóm Bộ tứ (Thụy Sĩ, Canada, New Zealand và Na Uy) ghi nhận những tiến bộ Việt nam đã đạt được trong việc hỗ trợ người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, "Nhóm cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đảm bảo rằng các dân tộc thiểu số được tham khảo ý kiến rộng hơn nhằm hưởng lợi tốt hơn từ các chính sách giải quyết vấn đề bất bình đẳng, cũng như làm cho cộng đồng bền vững hơn về mặt kinh tế.”

CHỐNG THAM NHŨNG

Các đại biểu cũng nghe báo cáo từ Đối thoại chống tham nhũng được tổ chức trước thềm Hội nghị về tham nhũng trong ngành khai khoáng và tầm quan trọng của việc đảm bảo minh bạch và trách nhiệm giải trình để người dân Việt Nam được hưởng lợi từ tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Báo cáo từ Đối thoại chống tham nhũng cho thấy còn tồn tại nguy cơ tham nhũng trong tất cả các giai đoạn khai thác khoáng sản, dẫn đến thất thu đáng kể nguồn tiền lẽ ra có thể được dùng để đầu tư vào phúc lợi xã hội cho người dân.

Bà Marie Ottosson, Công sứ, Phó Trưởng đoàn và Trưởng bộ phận Hợp tác phát triển của Sứ quán Thụy điển, nhấn mạnh: “đã đến lúc chúng ta phải biến lời nói thành hành động. Đã đến lúc Việt Nam đẩy nhanh quá trình thực hiện cam kết chống tham nhũng của mình. Bước tiếp theo có thể sẽ là việc ký kết Sáng kiến tăng cường minh bạch trong khai thác khoáng sản- một công cụ mạnh mẽ nhằm đảm bảo minh bạch và trách nhiệm giải trình.”

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, yếu tố then chốt để phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng đến người nghèo và những người bị thiệt thòi. Bà Kwakwa cũng bày tỏ hy vọng rằng Chính phủ mới, sẽ nhận chức trong vài tháng tới, tiếp tục chú trọng đến các ưu tiên nêu trên và tăng cường quan hệ đối tác và hiệu quả hợp tác hỗ trợ quá trình phát triển của Việt Nam.

Liên hệ truyền thông
Tại Hà Tĩnh
Nguyễn Hồng Ngân
tel : 0912225429
nnguyen5@worldbank.org


Api
Api

Welcome