THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Các nước đều có thể tăng cường năng lực cạnh tranh đầu tư toàn cầu, theo Nhóm Ngân hàng Thế giới

7 Tháng 7 Năm 2010




Vienna, Áo, Ngày mùng 7 tháng 7 năm 2010 - Các điều luật quá hạn chế và lạc hậu là trở ngại lớn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài và việc thực thi luật kém hiệu quả làm phát sinh chi phí đầu tư , theo Báo cáo Đầu tư xuyên Quốc gia 2010, một báo cáo mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới.

Đây là lần đầu tiên Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra các dữ liệu về các luật và quy định có ảnh hưởng tới đầu tư trực tiếp nước ngoài, có thể so sánh được trong 87 quốc gia. Các điều luật và quy định rõ ràng, có hiệu lực là yếu tố sống còn nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất cho các nền kinh tế sở tại, công dân của họ cũng như các nhà đầu tư.

Ông Janamitra Devan, Phó Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới phụ trách Tài chính và Phát triển khu vực tư nhân phát biểu: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài rất quan trọng cho phát triển quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Nó mang lại nhiều nguồn vốn mới, công nghệ và phong cách quản lý mới, tạo việc làm và thúc đẩy cạnh tranh để hạ chi phí cho hàng hóa địa phương và cải thiện tiếp cận của người dân tới hàng hóa và dịch vụ.”

Tại Angola và Haiti, việc mở chi nhánh của một công ty nước ngoài có thể mất tới nửa năm do các thủ tục quan liêu. Tại Canada, Georgia và Rwanda, việc này chỉ mất chưa đến một tuần. Thuê đất công nghiệp tại Nicaragua và Sierra Leone thông thường mất nửa năm so với chưa tới hai tuần tại Armenia, Hàn Quốc và Sudan. Tại Pakistan, Philippines và Sri Lanka, có khi cần tới hai năm để thực thi một quyết định phân xử của trọng tài.

Báo cáo cho thấy các nước có chỉ số tốt trong Báo cáo Đầu tư xuyên Quốc gia 2010 cũng có khuynh hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn so với quy mô của nền kinh tế và dân số. Ngược lại, các nước có chỉ số thấp thường có mức tham nhũng cao hơn, rủi ro chính trị cao hơn và cơ cấu quản trị yếu hơn.

Báo cáo Đầu tư xuyên Quốc gia 2010 nhằm mục đích giúp các nước phát triển môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn bằng cách đưa ra những thực tiễn tốt về thiết kế và thực thi chính sách đầu tư. Báo cáo cung cấp các chỉ số về hạn chế theo ngành đối với việc nước ngoài sở hữu vốn, quy trình khởi sự một doanh nghiệp nước ngoài, tiếp cận với đất công nghiệp và các chế độ trọng tài thương mại trên 87 quốc gia. Bản báo cáo Đầu tư xuyên Quốc gia 2010 không đánh giá hết được mọi khía cạnh của môi trường kinh doanh liên quan tới các nhà đầu tư. Ví dụ, báo cáo không đánh giá tình hình an ninh, ổn định kinh tế vĩ mô, quy mô và tiềm năng thị trường, tham nhũng, trình độ kỹ thuật hay chất lượng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các chỉ số này cung cấp một điểm khởi đầu cho các chính phủ muốn cải thiện khả năng cạnh tranh đầu tư toàn cầu của họ.

Về nhóm Ngân hàng Thế giới

Nhóm Ngân hàng Thế giới là một trong những nguồn cung cấp vốn và tri thức lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển. Tổ chức này bao gồm năm thể chế liên kết chặt chẽ: Ngân hàng Quốc tế về Tái Thiết và Phát triển (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), hai tổ chức này cùng nhau tạo nên Ngân hàng Thế giới; Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA); và Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp đầu tư (ICSID). Mỗi thể chế đóng một vai trò nhất định trong nhiệm vụ chống đói nghèo và cải thiện đời sống cho người dân các nước đang phát triển.

Liên hệ truyền thông
Tại Washington, D.C
Nadine Ghannam
tel : (202) 473-3011
nsghannam@ifc.org



Api
Api

Welcome