THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới: Chuyển đổi năng lượng trong tầm tay của Đông Á nhưng cần nguồn vốn lớn

19 Tháng 4 Năm 2010



Singapore-19/4/2010 – Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận định sáu nước sử dụng năng lượng nhiều nhất tại khu vực Đông Á có thể ổn định lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2025 mà không tác động xấu đến tăng trưởng.

Báo cáo "Làn gió mới: Tương lai Năng lượng Bền vững của Đông Á" cho biết các khoản đầu tư lớn để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và đồng loạt chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh tại Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam có thể giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường an ninh năng lượng đồng thời cải thiện môi trường trong nước.

Theo báo cáo, GDP tại khu vực Đông Á tăng 10 lần trong vòng ba thập kỷ qua đã dẫn đến việc lượng tiêu thụ năng lượng tăng gấp ba lần và dự kiến sẽ tăng gấp hai trong vòng hai thập kỷ tới do quy mô dân số đô thị tăng 50% và quá trình công nghiệp hoá vẫn đang diễn ra tại khu vực.

Dựa trên các nghiên cứu về hai kịch bản, kịch bản thứ nhất là khu vực sẽ tiếp tục phát triển theo chính sách hiện hành của các chính phủ và kịch bản thứ hai là khu vực sẽ phát triển theo định hướng tăng trưởng các-bon thấp. Đối với kịch bản Phát triển Năng lượng Bền vững theo định hướng tăng trưởng các-bon thấp, báo cáo nhận định năng lượng tái sinh (bao gồm nước, gió, sinh khối và địa nhiệt, năng lượng mặt trời) có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu về điện của khu vực vào năm 2030.

Báo cáo kêu gọi các chính phủ phải hành động ngay để chuyển đổi ngành năng lượng của họ sang hướng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và sử dụng rộng rãi năng lượng sạch hơn trước khi quá muộn. "Cánh cửa cơ hội đang đóng lại rất nhanh vì hành động chậm trễ sẽ khiến cho khu vực phải tiếp tục đối phó với tình trạng cơ sở hạ tầng các-bon cao đã tồn tại trong thời gian dài", báo cáo cho biết.

Ông Jim Adams, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á & Thái Bình Dương, cho rằng "điều chúng ta cần làm là chuyển đổi sang mô hình phát triển các-bon thấp mới với lối sống bền vững". "Các nước cần phải hành động ngay để chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và áp dụng rộng rãi công nghệ các-bon thấp. Mặc dù nhiều nước đã tiến hành các biện pháp theo định hướng này nhưng vẫn cần phải tăng tốc và nỗ lực hơn nữa để ngành năng lượng phát triển bền vững.", ông nói. 

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới ước tính để ngành năng lượng tăng trưởng bền vững, mỗi năm, Đông Á phải đầu tư thêm 80 tỷ USD - con số này được Ngân hàng Thế giới mô tả như là một "trở ngại lớn".

Khi đánh giá bước tiến khu vực đã đạt được, báo cáo lưu ý rằng nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm thiểu lượng các-bon thải ra. Trung Quốc đã giảm 70% cường độ sử dụng năng lượng trong vòng 25 năm qua và Việt Nam cũng đã đạt được bước tiến lớn.

Tiến sĩ Xiaodong Wang, tác giả chính của báo cáo đồng thời là chuyên gia năng lượng cấp cao của Ngân hàng Thế giới cho rằng "Tốc độ và quy mô của quá trình đô thị hoá mang lại cơ hội hiếm có để xây dựng các thành phố các-bon thấp". "Chúng ta đã có các công cụ kỹ thuật và chính sách cần thiết để tiến hành chuyển đổi - điều mà chúng ta cần là quyết tâm chính trị và quan hệ hợp tác quốc tế chưa từng có trong lịch sử để đáp ứng nhu cầu về vốn."

Báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị chính sau:

  • Cải cách thể chế và chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu vực. Kết hợp nhiều biện pháp cải cách trong hoạt động định giá năng lượng, phải ban hành các quy định về mục tiêu giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế và các công cụ khuyến khích tài chính để thúc đẩy hoạt động bảo tồn năng lượng. Do gần một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực (nhà máy điện, công trình xây dựng, đường xá) cần phải được xây dựng trong năm 2020 vẫn chưa được xây dựng, đây là sự lựa chọn tiết kiệm chi phí nhất.
  • Mở rộng quy mô sản xuất năng lượng tái sinh để đáp ứng phần lớn nhu cầu về năng lượng đến năm 2030. Có thể thực hiện được điều này thông qua các chính sách khuyến khích tài chính đối với năng lượng tái sinh (gió, sinh khối, nước, địa nhiệt và mặt trời) hoặc áp dụng thuế đối với nhiên liệu hoá thạch để tạo ra sân chơi bình đẳng cho nhiên liệu tái sinh và nhiên liệu hoá thạch. Trung Quốc hiện là nước sản xuất năng lượng tái sinh lớn nhất thế giới.
  • Khuyến khích các ý tưởng sáng tạo và công nghệ sạch mới. Mặc dù trong ngắn hạn và trung hạn, các công nghệ sẵn có có thể giúp giảm lượng khí thải, các ý tưởng sáng tạo và công nghệ mới đóng vai trò đặc biệt quan trọng để giảm lượng khí thải trong giai đoạn sau năm 2030. Vì phải mất nhiều thời gian để phát triển công nghệ, phải thúc đẩy nhu cầu nghiên cứu và phát triển.
  • Phối hợp với các ngành khác để xây dựng quy hoạch đô thị thông minh. Có thể giảm mạnh nhu cầu sử dụng năng lượng và lượng khí thải CO2 thông qua việc xây dựng đô thị thông minh với mật độ cao hơn, xây dựng nhiều đô thị nén hơn với thiết kế đa dụng hơn cho phép các khu vực phụ cận trung tâm thành phố tăng trưởng và hình thành các hành lang trung chuyển để ngăn chặn tình trạng đô thị phát triển lộn xộn. Ngoài ra, cũng cần tiến hành việc quy hoạch đô thị thông minh song song với các lựa chọn phát triển năng lượng sạch và vận tải công cộng như các tòa nhà xanh và các phương tiện sử dụng năng lượng hiệu quả.
  • Các nước phát triển cần chuyển giao công nghệ các-bon thấp và hỗ trợ nguồn vốn lớn. Các nước đang phát triển không thể tiến hành chuyển đổi mà không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Họ cần nguồn vốn lớn để trang trải cho phần chi phí phát sinh và những rủi ro trong quá trình chuyển đổi sang hướng sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái sinh. Ngoài ra, chuyển giao công nghệ và tăng cường thể chế cũng hết sức cần thiết.

 



Để tìm hiểu thêm thông tin về báo cáo, vui lòng truy cập trang web: www.worldbank.org/eap

*Chúng tôi sẽ nghiên cứu các nước thu nhập thấp, bao gồm Campuchia, Lào, Mông Cổ, Papua New Guinea, Đông Timor và các quốc đảo Thái Bình Dương trong một báo cáo khác.

Liên hệ truyền thông
Tại Washington, DC
Elisabeth Mealey
tel : +1 (202) 458-4475
emealey@worldbank.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : (844) 39346600-234
nnguyen5@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2010/349/EAP

Api
Api

Welcome