THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn toàn cầu

19 Tháng 12 Năm 2012




Tăng trưởng sẽ giúp duy trì đà giảm nghèo nhưng nhiều rủi ro vẫn còn tồn tại - theo báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới

SINGAPO, ngày 19 tháng 12 năm 2012 – Các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn tiếp tục có khả năng phục hồi mặc dù nền kinh tế toàn cầu vẫn còn trì trệ. Theo báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương mới nhất của Ngân hàng Thế giới được công bố ngày hôm nay, các dự án trong khu vực này sẽ tăng trưởng ở mức 7,5% vào năm 2012, thấp hơn so với mức 8,3% của năm 2011, nhưng sẽ bắt đầu phục hồi và dự kiến tăng ở mức 7,9% vào năm 2013. 

Với nhu cầu từ các thị trường toàn cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu ở mức thấp, nhu cầu trong nước vẫn là động lực chính cho tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế trong khu vực. Theo báo cáo, hiệu quả hoạt động kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc.

Theo dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt 7,9% trong năm nay, thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng 9,3% năm ngoái và đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999. Hoạt động xuất khẩu yếu ớt cùng với nỗ lực của chính phủ nhằm làm nguội lĩnh vực phát triển nhà ở đang tăng trưởng quá nóng là những nguyên nhân khiến cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vào năm 2012, nhưng trong những tháng cuối năm nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi. Vào năm 2013, theo dự kiến thì nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 8,4% nhờ được tiếp sức bởi gói kích thích tài khóa và tiến độ nhanh chóng hơn trong việc thực hiện các dự án đầu tư lớn.

“Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang trở nên ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới, và theo dự kiến thì khu vực này sẽ đóng góp 40% cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2012”, Bert Hofman, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới nói. “Với mức tăng trưởng cao mà các nước trong khu vực đã duy trì được, chúng tôi cho rằng tỉ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm. Theo dự báo thì tỉ lệ người dân có mức chi tiêu dưới 2 USD/ngày trong khu vực sẽ đạt 23,3% vào cuối năm 2014, giảm đáng kể so với mức 28,8% vào năm 2010.”

Theo dự báo, các nước đang phát triển trong khu vực Đông Á trừ Trung Quốc tăng trưởng ở mức 5,6% vào năm 2012, tăng hơn so với mức 4,4% của năm 2011. Sự phục hồi của Thái Lan sau trận lụt năm 2011, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Phi-líp-pin, và sự suy giảm ở mức tương đối nhẹ của nền kinh tế In-đô-nê-xi-a và Việt Nam là những nhân tố chính góp phần tạo nên sự phục hồi này. Với việc In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Phi-líp-pin tiếp tục có hoạt động kinh tế mạnh mẽ, mức tăng trưởng của các nước đang phát triển tai Khu vực Đông Á trừ Trung Quốc sẽ tăng lên mức 5,7% vào năm 2013 và 5,8% vào năm 2014.

Một điểm sáng nữa trong khu vực này là việc My-an-ma nối lại quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế. Nền kinh tế của My-an-ma tiếp tục tăng tốc trong năm tài khóa 2011-2012, với mức tăng trưởng GDP 5,5% và theo dự kiến sẽ đạt mức 6,3% vào năm tài khóa 2012-2013. Chính phủ nước này hiện đang tiếp tục thực hiện các cải cách, nhưng còn nhiều thách thức trước mắt cần giải quyết để My-an-ma có thể phát huy đầy đủ tiềm năng của mình, trong đó bao gồm thách thức liên quan đến việc giải quyết những hạn chế về cơ sở hạ tầng, cải thiện lĩnh vực tài chính và viễn thông, và quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách bền  vững.

Báo cáo cũng đưa ra lưu ý rằng có những rủi ro đáng kể có thể kìm hãm đà tăng trưởng của khu vực này, và dẫn ví dụ khả năng có sự chậm trễ trong việc thực hiện cải cách ở khu vực đồng Euro, “vực thẳm kinh tế” ở Mỹ, và sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng đầu tư có thể xảy ra ở Trung Quốc.

Báo cáo cũng bàn về mối quan ngại ngày càng gia tăng trong giai đoạn hiện nay, đó là việc các quốc gia G-3 (gồm Mỹ, Nhật và các nước trong khu vực đồng Euro) tiếp tục dùng tới biện pháp nới lỏng tiền tệ có thể tạo ra một dòng lũ vốn chảy vào khu vực này, từ đó có thể gây ra bong bóng về tài sản và tăng trưởng tín dụng quá đà dẫn tới tăng khả năng xảy ra rủi ro chảy vốn ra bên ngoài một cách đột ngột trong tương lai.

Ông Hofman nói: “Khối lượng vốn lớn chảy vào khu vực này bao gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp tạo việc làm và tăng trưởng về năng lực sản xuất. Tuy nhiên, các cơ quan chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ cần bám sát các diễn biến trong tài khoản vốn của mình. Việc đưa ra những thỏa thuận phù hợp  về tỉ giá hối đoái và phát triển thị trường vốn có thể giúp các nền kinh tế trong khu vực có được một tấm đệm nhằm giảm bớt tác động của các dòng vốn chảy vào, đồng thời việc thực hiện các biện pháp thận trọng vĩ mô có thể bảo vệ cho các nền kinh tế trong khu vực khỏi bị ảnh hưởng của việc tăng trưởng tín dụng quá đà”.

Keiko Kubota, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới nói “Nếu xảy ra một cú sốc về tăng trưởng thì hầu hết các nước có thể chống lại tác động bằng việc nới lỏng các chính sách tài khóa. Đối với các nền kinh tế trong khu vực gặp khó khăn trong việc thực hiện ngân sách, đặc biệt là ngân sách đầu tư cơ bản thì việc thực hiện những biện pháp can thiệp về tài khóa nhằm tăng nhu cầu của khu vực tư nhân trong nước, chẳng hạn như các biện pháp mục tiêu về hỗ trợ xã hội hoặc tín dụng thuế đầu tư là rất quan trọng”.

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương là một đánh giá toàn diện của Ngân hàng Thế giới về các nền kinh tế trong khu vực. Báo cáo này được công bố hai lần trong một năm và có thể được truy cập qua trang web của chúng tôi tại địa chỉ  https://www.worldbank.org/en/region/eap/publication/east-asia-pacific-economic-update.

Liên hệ truyền thông
Tại Singapore
David Llorito
dllorito@worldbank.org
Tại Washington
Carl Hanlon
tel : (202) 460-8526
chanlon@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2013/207/EAP

Api
Api

Welcome