PHÓNG SỰ

Việt Nam: Biến ước mơ đi học thành hiện thực

12 Tháng 2 Năm 2014



Các nét chính của bài viết
  • Không phải toàn bộ học sinh nghèo ở Việt Nam đều có thể vào học tại các trường trung học công lập.
  • Học sinh nghèo dễ phải nghỉ học do học phí tại các trường ngoài công lập quá cao.
  • Dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cung cấp hỗ trợ tài chính giúp 8.000 học sinh tiếp tục theo học tại các trường trung học và trường dạy nghề ngoài công lập.

Hà Nội, Việt Nam - Cao Thị Phương Huyền, 18 tuổi, thi đỗ đại học và đã tiến thêm một bước để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo.

Huyền hiện là sinh viên năm thứ nhất của học chuyên ngành giảng dạy tiếng tại Đại học Hùng Vương, Phú Thọ.

Nhưng cách đây 3 năm, em đã có thể phải từ bỏ ước mơ của mình nếu phải bỏ học khi đi học trở thành gánh nặng không kham nổi đối với gia đình.

“Sau khi tốt nghiệp cấp hai, em đã không thi đỗ vào cấp ba,” Huyền nói. “Em định đi làm vì em nghĩ mình không thể vào trường tư thục được. Một phần vì em không tin tưởng lắm, nhưng chủ yếu là do gia đình không đủ tiền.”

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng hệ thống trường công lập chỉ có thể tiếp nhận khoảng 80% số học sinh muốn tiếp tục học lên.

Khoảng 200.000 học sinh thi trượt cấp 3 buộc phải vào trường ngoài công lập. Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn thì học phí cao quả là một gánh nặng.

Nhưng một dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ và được thực hiện bởi tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đã mang lại cho Huyền cơ hội tiếp tục theo học tại trường tư thục Vũ Thế Lãng ngay tại địa phương.

Dự án do Quỹ Toàn cầu về chương trình hỗ trợ dựa trên kết quả (Global Partnership on Output-Based Aid Program) cung cấp hỗ trợ tài chính, giúp các học sinh có ý định bỏ học có thể theo học tại các trường ngoài công lập.

Từ 2010 đến 2013 dự án đã giúp trên 8,000 học sinh khó khăn tại 12 tỉnh nghèo nhất tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam hoàn thành chương trình học tập tại các trưởng trung học phổ thông hoặc trung cấp dạy nghề.


" Kết quả học lớp 10 của em là khá, nhưng năm lớp 11 và lớp 12 em đạt loại giỏi. Dự án không chỉ giúp em về tiền mà còn khuyến khích em chăm học hơn. Em thấy mình được quan tâm. "

Cao Thị Phương Huyền

Sinh viên, Tỉnh Phú Thọ

Phương pháp tiếp cận dựa trên kết quả: lần đầu áp dụng tại Việt Nam

Đây là dự án lần đầu được thực hiện tại Việt Nam theo cách tiếp cận này. Theo phương pháp này, học sinh được lựa chọn dựa trên kết quả học tập và hoàn cảnh kinh tế gia đình.

Đối với Huyền khoản tài trợ 90 đô la Mỹ (tương đương khoảng 2 triệu đồng) một năm là đủ để đáp ứng nhu cầu tài chính của em.

“Kết quả học lớp 10 của em là khá, nhưng năm lớp 11 và lớp 12 em đạt loại giỏi,” Huyền nói. “Dự án không chỉ giúp em về tiền mà còn khuyến khích em chăm học hơn. Em thấy mình được quan tâm.”

Dự án không chỉ được thiết kế để giúp các học sinh muốn học lên trung học phổ thông mà giúp cả các học sinh có nguyện vọng học nghề.

Lương Tiến sinh ra trong một gia đình nghèo tại Đà Nẵng. Em cũng được tài trợ để theo học 3 năm tại trường trung học dạy nghề tư nhân Đức Minh để trở thành kĩ sư điện.

“Ba má em nghèo. Ba em là công nhân xây dựng. Má em ở nhà. Tiền ba em kiếm được thất thường và không đủ đóng học phí,” Tiến nói.

Tiến là anh cả trong số 4 anh em nên kỳ vọng của gia đình rất cao. Tiến phải lo cho các em nên cách duy nhất là phải kiếm được việc có thu nhập tốt.

Học cao = Khả năng thành công cao

Đây là cách tiếp cận hai hướng và rất hiệu quả. Khi được trợ giúp, lo lắng về tiền bạc của các em đã được giải quyết. Các em sẽ tập trung hơn vào học tập và đạt kết quả tốt hơn.

“Nếu học sinh được tạo cơ hội học tập và theo lên bậc cao hơn các em sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống của mình,bà Nguyễn Thu Huyền, Phó giám đốc, Sở GDĐT Phú Thọ nói.

Với 3 triệu đô la Mỹ và thời gian hoạt động 3 năm, dự án đã làm thay đổi hướng phát triển cuộc đời của hơn 8.000 học sinh.

“Em mong dự án tiếp tục và giúp đỡ nhiều bạn hơn nữa, giống như dự án đã giúp em thực hiện ước mơ của mình,” Huyền nói.


Api
Api

Welcome