PHÓNG SỰ

Việt Nam: 16 triệu người dân ở đồng bằng sông Cửu Long được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao

30 Tháng 5 Năm 2013



Các nét chính của bài viết
  • Trước kia, do thiếu dịch vụ y tế chất lượng cao, bệnh nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long thường được chuyển lên TP. Hồ Chí Minh để điều trị.
  • Nhờ một dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, hàng triệu người dân hiện đã được tiếp cận với dịch vụ y tế được cải thiện và có thẻ bảo hiểm y tế.
  • Hiện nay, hơn 80% bệnh nhân hài lòng với chất lượng dịch vụ y tế tại khu vực.

Trước kia, ông Nguyễn Văn Tâm, một người dân thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, rất khó được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng tốt và có thể chi trả được. Ông Tâm là một trong số gần 2,5 triệu người cận nghèo ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đối với người cận nghèo, mua bảo hiểm y tế là một thách thức. Tuy nhiên, từ năm 2006, dự án Hỗ trợ y tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, đã giúp các hộ gia đình cận nghèo như  ông Tâm có thể chi trả bảo hiểm y tế.

“Từ ngày tôi có bệnh đến giờ thì bảo hiểm y tế nhà nước câp cho tôi rất nhiều,”  ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ. “Con tôi vẫn được đi học còn tôi thì được hỗ trợ chạy thận nhân tạo hàng năm.”

Được triển khai từ năm 2006 đến giữa năm 2012, dự án nhằm cải thiện dịch vụ y tế của khu vực và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ này, đặc biệt là đối với nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương. Dự án đã hỗ trợ bổ sung thêm 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế, ngoài phần hỗ trợ 50% của Nhà nước nên người dân chỉ cần đóng 20% là được nhận thẻ.

Đến cuối năm 2009, đã có 70% người cận nghèo ở khu vực được tiếp cận với bảo hiểm y tế, so với tỉ lệ 10% trong năm 2006.

Hơn nữa, khoảng 25.000 bênh nhân nghèo đã được hỗ trợ tài chính để chữa bệnh và mổ tim.


" Tôi rất hài lòng với trang thiết bị ở đây và nhất là cách điều trị của bác sỹ rất tốt. "

Ông Trần Văn Tuân

Người dân Quận Cái Răng, TP. Cần Thơ

Dự án 70 triệu đô la Mỹ này cũng đầu tư trang thiết bị thiết yếu cho các bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng tại 13 tỉnh trong vùng. Bên cạnh đó, Bệnh viên Đa khoa Trung ương Cần Thơ còn được trang bị thiết bị hiện đại và đào tạo nâng cao để trở thành bệnh viện trọng điểm của vùng.

Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị lũ lụt nên cư dân sống hai bên bờ có nguy cơ cao bị nhiễm các bệnh như tả, sốt rét, sốt xuất huyết và nhiều bệnh dịch nguy hiểm khác nên dự án cũng hỗ trợ hoạt động y tế dự phòng.

“Thông qua dự án, chúng tôi được tiếp nhận và được đầu tư những trang thiết bị trên cả lĩnh vực dự phòng cũng như điều trị, phòng chống dịch bênh, kiểm soát dịch bệnh,” BS Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ chia sẻ.

Bên cạnh đó, khoảng 10.000 cán bộ y bác sỹ đã được tham gia các khóa tập huấn được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của vùng.

Hiện nay, khoảng 16 triệu người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được hưởng lợi từ trang thiết bị và dịch vụ y tế được nâng cấp. Trong số đó, gần 2,5 triệu người cận nghèo được tiếp cận với bảo hiểm y tế.

Theo một khảo sát thực hiện khi kết thúc dự án, hơn 80% bệnh nhân hài lòng với chất lượng dịch vụ và trang thiết bị y tế. Hiện nay, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể được chữa trị ngay tại địa phương, thay vì phải chuyển lên các bệnh viên ở TP. Hồ Chí Minh như trước kia, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.

“Tôi rất  hài lòng với trang thiết bị ở đây và nhất là cách điều trị của bác sỹ rất tốt,” ông Trần Văn Tuân, Quận Cái Răng, Cần Thơ, chia sẻ.


Api
Api

Welcome