Skip to Main Navigation
publication 24 Tháng 9 Năm 2021

Việt Nam: Thích ứng với Xã hội Già hóa



So với các quốc gia đã từng trải qua tình trạng già hóa dân số như Việt Nam đang trải qua hiện nay, thì cả trình độ phát triển kinh tế lẫn thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam đều thấp hơn. Viễn cảnh “chưa giàu đã già” có nghĩa là Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức quan trọng mà để giải quyết sẽ không tránh khỏi những lựa chọn chính sách khó khăn. Báo cáo này đưa ra lộ trình để Việt Nam vượt qua giai đoạn thử thách này.

Những phát hiện chính

Việt Nam đang trải qua quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Dân số Việt Nam bắt đầu già hóa vào năm 2015. Đến năm 2035, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già.

Không giống như nhiều quốc gia khác đã từng trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học này, Việt Nam đang gặp tình trạng "chưa giàu đã già”. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay bằng khoảng 40% so với mức trung bình thế giới, tỉ lệ này vẫn còn cách xa so với mức thu nhập trung bình cao. Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, Việt Nam có ít thời gian để thích nghi với một xã hội già hóa hơn so với các nền kinh tế phát triển.

Việt Nam hiện đang ở ngã rẽ quan trọng. "Cửa sổ cơ hội” về nhân khẩu học đang bắt đầu khép lại khi tốc độ già hóa dân số tăng nhanh. Dân số trong độ tuổi lao động đã giảm kể từ năm 2014 và xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục cho đến năm 2042, khi “cửa sổ cơ hội” sẽ đóng lại.

“Già trước khi giàu” đồng nghĩa với việc Việt Nam phải đối mặt với một loạt thách thức đòi hỏi những nỗ lực cải cách lớn. Quốc gia phải tiếp tục tận dụng lợi thế dân số vàng đồng thời giảm thiểu những cản lực tăng trưởng và những thách thức do chi phí tài khóa cao từ quá trình già hóa. Điều này sẽ đòi hỏi phải có những lựa chọn khó khăn và thực hiện các cải cách chính sách lớn.

Việt Nam phải đối mặt với những thách thức về chính sách “làm ngay bây giờ hoặc không bao giờ”.  Nếu không có những cải cách căn bản, quá trình chuyển đổi nhân khẩu học sẽ làm giảm đáng kể mức tăng trưởng dài hạn. Cộng với áp lực tài khóa lớn của một xã hội già hóa, điều này có thể có thể dẫn đến tình trạng tăng mức bội chi và tăng mức nợ, tạo ra áp lực làm tăng lãi suất, giảm mức độ thu hút đầu tư trong và ngoài nước vốn rất cần thiết đối với nền kinh tế, và đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Với những chính sách đúng đắn, Việt Nam vẫn có thể phát triển mạnh về kinh tế và xã hội trong giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học này. Các cải cách chính bao gồm xây dựng thị trường lao động thúc đẩy tăng năng suất và kéo dài thời gian làm việc, đầu tư vào vốn con người trong suốt vòng đời, mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội đồng thời đảm bảo tính bền vững của hệ thống và phát triển một hệ thống chăm sóc dài hạn có hiệu quả.


"Kể từ khi trở thành quốc gia siêu già vào năm 1960, Nhật Bản đã trải qua nhiều hệ lụy khác nhau của quá trình già hóa, đặc biệt là những tác động liên quan đến việc điều chỉnh các chương trình bảo trợ xã hội và thúc đẩy chăm sóc tại cộng đồng. Đã có nhiều thành công nhưng cũng không ít kinh nghiệm cay đắng. Chúng tôi hy vọng những bài học chia sẻ này sẽ hữu ích để giúp Việt Nam không chỉ ứng phó được với tình trạng thay đổi nhân khẩu học mà còn thu được lợi ích từ đó."
Shimizu Akira
Trưởng đại diện JICA Việt Nam

Báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa JICA và Ngân hàng Thế giới nhằm hỗ trợ các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam đưa ra các giải pháp chuẩn bị cho một xã hội già hóa.