Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ 15 Tháng 3 Năm 2018

Chuyến đi thực địa của Mạng lưới Nghị viện tại Việt Nam

Hanoi, March 5, 2018 - Các nghị sĩ từ 15 quốc gia đã tới Việt Nam tham dự Chương trình Nghị sĩ đi thực địa của Mạng lưới Nghị viện tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ ngày 5 đến 8 tháng 3 năm 2018.


“Việt Nam đã đạt thành tích phát triển ấn tượng và là một tấm gương điển hình để mọi người có thể đến đây tận mắt chứng kiến các kết quả này. Chuyến thăm này là cơ hội đặc biệt giúp Mạng lưới Nghị viện tăng cường sự hiện diện của mình tại châu Á, và nó càng có ý nghĩa hơn khi Ngân hàng Thế giới và IMF sắp tổ chức các cuộc họp hàng năm tại Bali vào cuối năm nay”, ông Olfa Soukri Cherif, Nghị sĩ Tunisia, Phó chủ tịch Mạng lưới Nghị viện tại Ngân hàng Thế giới và IMF, nói.


Trong 4 ngày đi thăm Việt Nam, các nghị sĩ đến từ các nước Australia, Bangladesh, Cameroon, In-đô-nê-xi-a, Kenya, CHDCND Lào, Latvia, Morocco, Myanmar, Phi-lip-pin, Ba Lan, Nam Phi, Tunisia, Uganda, và U-crai-na đã chứng kiến kết quả phát triển ấn tượng tại đây và được cung cấp thông tin về hoạt động của Nhóm Ngân hàng Thế giới và IMF tại Việt Nam. Đoàn đã có một buổi làm việc rất hiệu quả với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã trả lời các câu hỏi của các nghị sĩ về cơ hội bình đẳng cho phụ nữ nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ, và các vấn đề khác như tạo việc làm cho thanh niên, và tăng trưởng hòa nhập. Những chủ đề này cũng được đề cập trong buổi gặp với Bộ trưởng Bộ giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Các đại biểu đã rất ấn tượng khi được biết Việt Nam đã đảo ngược khoảng cách giới—các em gái có thành tích học tập tốt hơn các em trai về môn văn, và đạt kết quả ngang bằng về các môn khoa học và toán. Việt Nam cũng rất nỗ lực giúp cho các nhóm dân tộc thiểu số đạt trình độ giáo ngang bằng với các nhóm còn lại.

“Việt Nam là một trong những nước mà Ngân hàng Thế giới thực hiện cả 14 danh mục đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đạt 11 tỉ USD. Thông qua các danh mục đầu tư này chúng tôi không chỉ mang lại nguồn vốn cho Việt Nam mà còn cả kiến thức và kinh nghiệm phát triển  các ngành kinh tế khác nhau. Việt Nam sẽ xuất khẩu kinh nghiệm và kiến thức phát triển của mình sang các nước IDA khác”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói.

Tại cuộc họp với Bộ Công Thương các nghị sĩ đã được thông báo rằng Việt Nam đã đạt tiến bộ chưa từng có với 99% hộ gia đình đã có điện sinh hoạt trong năm 2015, trong khi tỉ lệ này chỉ là 73% năm 1990. Các nghị sĩ cũng thảo luận các thách thức về môi trường mà Việt Nam đang đối mặt cũng như đòi hỏi phải phát triển ngành điện để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng, trong đó có phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính các nghị sĩ đã thảo luận tình hình ngân sách và kinh tế vĩ mô. Các vấn đề được thảo luận khác bao gồm tự do hóa thương mại, lành mạnh hóa tài khóa, huy động nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu và coi đó là giải pháp hướng tới mục tiêu giảm nghèo.

“GDP đã tăng trưởng nhanh, và quan trọng hơn, đó là khía cạnh hòa nhập của tăng trưởng. Thành tích giảm nghèo rất ấn tượng, một phần nhờ các khoản đầu tư lớn vào giáo dục. Tuy nhiên Việt Nam vẫn cần tiếp tục các nỗ lực tăng năng suất lao động và củng cố tình hình tài khóa”, ông Jonathan Dunn, Đại diện Thường trú IMF tại Việt Nam, nói.



Ngoài ra, giám đốc các phòng thương mại và các đại diện doanh nghiệp tư nhân cũng chia sẻ quan điểm về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, về các thách thức và cơ hội và các luật lệ cần có để tạo thuận lợi cho đầu tư hơn nữa tại Việt Nam.


Đoàn nghị sĩ đã đến thăm dự án đường giao thông và nhà máy thủy điện tại Hòa Bình. Tại đây đoàn đã gặp nhà chức trách địa phương và được thông báo về các tác động tích cực của các dự án đầu tư đối với người dân trong tỉnh. Dự án Phát triển Đô thị các tỉnh miền núi phía bắc thực hiện theo phương thức cấp vốn theo kết quả được phê duyệt năm 2015 và có giá trị 300 triệu USD. Dự án này đã góp phần tăng cường đáng kể năng lực các tỉnh miền núi về quản lý và thực hiện dự án, tăng cường quản lý tài sản tại cấp địa phương và tăng nguồn thu cho địa phương.


Kể từ năm 2001 Chương trình Nghị sĩ đi thực địa đã tạo cơ hội cho hàng trăm nghị sĩ tiếp cận hoạt động tại chỗ và các chương trình phát triển của Ngân hàng Thế giới và IMF. Chương trình này cũng giúp họ tiếp xúc với các đối tác phát triển chính và tìm hiểu vai trò của nghị viện các nước sở tại trong quá trình phát triển. Các chuyến đi thực địa có nội dung rất đa dạng và giúp các nghị sĩ chia sẻ kiến thức về nhiều lĩnh vực. Qua đó họ có cơ hội hiểu sâu hơn các thách thức và thành công tại mỗi nước, thu hoạch các bài học kinh nghiệm và chia sẻ chúng tại nghị viện nước mình, qua đó góp phần củng cố thêm ý chí chính trị cho các chương trình phát triển. Sau mỗi chuyến đi, đoàn sẽ tổng hợp các nhận xét và khuyến nghị của mình về chương trình phát triển của nước sở tại trong một báo cáo tổng thể và chia sẻ với họ.

Đối với các nghị sĩ, chương trình này là cơ hội để họ chứng kiến sự hợp tác phát triển trên diễn ra như thế nào thực tế. Họ có thể dùng kết quả chuyến đi để so sánh và đánh giá và phản hồi lại với Nhóm Ngân hàng Thế giới và IMF về hoạt động cấp quốc gia của hai tổ chức này cũng như trao đổi quan điểm và kinh nghiệm với hai tổ chức đó.


Mạng lưới Nghị viện là một tổ chức phi chính phủ độc lập giúp các nghị sĩ tại các nước thành viên Ngân hàng Thế giới và IMF thúc đẩy nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong các định chế tài chính quốc tế và công tác cấp vốn phát triển đa phương.



Liên hệ:


Mạng lưới Nghị viện:

Gergana Ivanova – givanova@parlnet.org


Nhóm Ngân hàng Thế giới:

Nayé Bathily – nbathily@worldbankgroup.org


Tại Việt Nam:

Đỗ Việt Dũng – ddo2@worldbank.org

Trần Kim Chi – ctran@worldbank.org

Nguyễn Ngọc Anh – anguyen7@worldbank.org

 
IMF

Jonathan Dunn – jdunn@imf.org

Glenn Gottselig – ggottselig@imf.org


Api
Api