PHÓNG SỰ

Phụ nữ thay đổi những khu nhà ổ chuột ở thành thị Việt Nam

15 Tháng 3 Năm 2010


Các nét chính của bài viết
  • Những khoản tín dụng nhỏ nhằm cải thiện nhà ở là cách hữu hiệu để thay đổi những khu ổ chuột và những căn nhà của những hộ gia đình có thu nhập thấp ở các thành phố phát triển nhanh ở Châu Á.
  • Hơn 66% trong số những người đi vay là những phụ nữ đang rất cần nhà vệ sinh và nước sinh hoạt cho gia đình của họ.
  • Hội Phụ nữ Việt Nam là một tổ chức quan trọng mang lại quyền lợi cho phụ nữ thông qua giáo dục, tập huấn nghề, cung cấp những khoản tín dụng nhỏ và việc thực hiện các chính sách.

Hải Phòng, Việt Nam, 24 tháng 3, 2010: Phường Thượng Lý nằm trong thành phố cảng Hải Phòng, Việt Nam, bị bao vây xung quanh bởi một con kênh xám xịt đầy bùn và đổ ra biển cùng với rác rưởi của những hộ gia đình sống bên sông. Đó là một cảnh tượng phổ biến về sự xuống cấp của các đô thị ở những thành phố Châu Á đang phát triển nhanh. Nhưng với những người dân đang sống nơi đây, việc tắm rửa hàng ngày bên dòng sông đang ngày càng trở thành vấn đề của quá khứ vì họ đã nhận được nguồn nước và nhà vệ sinh cho gia đình của họ.

Đối với phụ nữ, nhu cầu được vệ sinh cá nhân hàng ngày là một nhu cầu đặc biệt cấp thiết và việc được giải thoát khỏi tình cảnh đáng thương do thiếu điều kiện vệ sinh có thể thay đổi cả cuộc sống của họ.

Thực tế này cho thấy một nhu cầu rất lớn đối với Quỹ Quay vòng Tài chính Hỗ trợ Nhà ở của Ngân hàng Thế giới. Trên thực tế, trong vòng 10 năm qua, Quỹ này đã giải ngân 10 triệu đôla cho 80.000 hộ gia đình ở thành thị ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ và Nam Định. Chương trình này là một chương trình nhỏ nằm trong Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam trị giá 41 triệu đôla từ IDA và theo bà Hoàng Thị Hứa, Chuyên gia về Y tế và Phát triển ở Hà Nội, “nó đã thành công trong việc gắn kết nhu cầu về nước sạch và vệ sinh với công tác tạo nguồn thu nhập và công tác phát triển cơ sở hạ tầng”.

Nhà ở tốt hơn, cuộc sống tốt hơn

Những nguồn tài chính nhỏ nhằm nâng cấp nhà ở cho những hộ gia đình có thu nhập thấp đã mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho vấn đề y tế, xã hội và môi trường ở những thành phố đang đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng. Ví dụ như ở phường Thượng Lý những hiệu quả tích lỹ được từ chương trình nâng cấp nhà mang tính chuyển đổi sâu rộng. Những căn nhà tạm tồi tàn ngày nào giờ đây đang dần trở thành những ngôi nhà sang trọng hai hay ba tầng với cơ sở hạ tầng và vệ sinh được nâng cấp.

Những gì to lớn đã đạt được thông qua việc hỗ trợ những khoản tài chính nhỏ không phải là mới lạ với những người thực hiện nó, nhưng đó chính là sự chuyển đổi mang tính nhân văn mà không con số thống kê nào có thể miêu tả hết.

Bà Phạm Thị Minh là một trong số 6.674 người đi vay ở Hải Phòng đã rất ca ngợi chương trình tín dụng nhỏ trị giá 3 triệu đôla (trong đó Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 2,6 triệu đôla). Là một công nhân nhà máy dệt hơn 50 tuổi đã nghỉ hưu, bà cho biết: “Nhà của chúng tôi đã rất tồi tàn. Chúng tôi không có sàn nhà và hệ thống thoát nước hợp lý, không có nhà bếp cũng như nhà vệ sinh. Mỗi khi trời mưa nhà dột khủng khiếp và chúng tôi hoàn toàn bị lụt trong nhà”. Thật khó có thể tưởng tượng giờ đây căn nhà đó đã được lát nền nhà, có mái phù hợp, có sân dẫn ra căn bếp riêng có bếp ga và có nhà tắm với nhà vệ sinh bệt và có hệ thống xả nước.

Bà Minh đã vay 10 triệu đồng (tương đương với gần 540 đôla) từ quỹ quay vòng hỗ trợ nhà và cùng với sự đóng góp thêm từ hai bên gia đình để xây lại căn nhà của mình. Và dường như môi trường sống mới đã làm phấn chấn tinh thần của bà, nên bà không những có khả năng hoàn trả vốn mà còn nhận làm lao công trong một trường học để lấy thu nhập mua sắm thêm tiện nghi cho ngôi nhà. Trong nhà bà có đủ ti vi, tủ lạnh và các đồ đạc cùng các vật trang trí khác.

Nhóm tiết kiệm tín dụng

Ông Trần Hữu Ích, 77 tuổi, là trưởng nhóm tiết kiệm tín dụng trong phường, là một công nhân nhà máy đã nghỉ hưu và đã được Hội Phụ nữ Hải Phòng tập huấn để điều hành ba nhóm tín dụng của 29 hộ gia đình trong phường. Ông cho biết: “Hàng tháng, nhóm tiết kiệm của chúng tôi đều gặp mặt nhau và thông qua tất cả các tài khoản. Chúng tôi thông báo cho những người đi vay về những khoản trả lãi, những khoản gốc được hoàn trả và những khoản chưa được trả. Chúng tôi đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có khả năng tiết kiệm và hoàn trả và đến nay chúng tôi chưa có ai bị vỡ nợ”.

Bà Nguyễn Thu Cúc, 54 tuổi, một nữ chủ tịch năng động của Hội Phụ nữ Hải Phòng, cơ quan thực hiện dự án, cho biết: “Có rất nhiều nhu cầu đối với các khoản cho vay”. Hội Phụ nữ Việt Nam, một tổ chức phát triển phụ nữ cấp cơ sở vừa mới tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày thành lập bằng cách tập trung nâng cao ý thức về hai dự luật mới về bạo lực gia đình và quyền của phụ nữ đối với tài sản.

Bí quyết của thành công

Khi được hỏi về bí quyết của thành công, bà Cúc cho biết “Chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm về việc cung cấp các nguồn tài chính nhỏ và chúng tôi đã rút ra được những bài học quan trọng”.

  1. Bà Cúc nói: “Vấn đề quan trọng là cơ chế tài chính của Quỹ phải dựa trên tình hình thực tế của nơi mà nó hoạt động, chứ không nên do những nhà tài trợ thiết kế. Thủ tục vay của Quỹ này rất đơn giản và hấp dẫn và bất cứ ai có thu nhập hơn 300.000 nghìn đồng một tháng (tương đương 19 đôla) đều có thể tiếp cận với Quỹ”.
  2. Điều quan trọng nữa là phải phổ biến rộng rãi về chương trình tín dụng nhỏ, mục đích và cách thức hoạt động của nó cho mọi người biết. Mọi người cần hiểu đúng đắn những lợi ích cũng như những điều kiện để vay vốn và chúng ta cần sử dụng những kênh giao tiếp hiệu quả để khuyến khích nhu cầu đối với chương trình này.
  3. Trưởng các nhóm tín dụng cần phải được tập huấn kỹ càng vì sự thành công của dự án sẽ phụ thuộc vào sự vận hành hiệu quả của những nhóm tín dụng và tiết kiệm. Thực ra có một Quỹ Xây dựng Năng lực trị giá 187.900 đôla chủ yếu là từ PHRD và IDA nhằm hỗ trợ công tác tập huấn cho các nhân sự của Quỹ, xây dựng các thể chế và công tác truyền thông.

Khi được hỏi tại sao tỷ lệ phụ nữ đi vay lại chiếm 66% và nhiều hơn hẳn so với đàn ông, bà Cúc mỉm cười và nói: “Ở Việt Nam, phụ nữ nắm giữ vấn đề tài chính trong nhà nên họ có thể quyết định việc đi vay. Về các vấn đề trong gia đình, ý kiến của đàn ông đôi khi không quan trọng bằng”. Trên thực thế, phụ nữ đứng tên trong một phần ba số hộ gia đình ở Việt Nam, một nửa trong số đó là góa phụ hoặc đã ly hôn, nhưng 33% là đang có gia đình.

Rời khỏi Thượng Lý, ấn tượng còn đọng lại mãi trong chúng tôi là những nhóm phụ nữ đầy nghị lực mà cuộc sống của họ đã được cải thiện nhờ việc nâng cấp nhà cửa và môi trường xung quanh, nhưng hơn hết là họ biết họ được tôn trọng và họ hoàn toàn có khả năng hoàn trả những khoản vay nhằm nâng cao đời sống của họ.

Api
Api

Welcome