THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Những nỗ lực của Ngân hàng Thế giới hướng đến các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã cứu giúp cho 13 triệu người trên thế giới từ năm 2002

21 Tháng 9 Năm 2010



New York, ngày 20/9/2010―Trong diễn văn khai mạc đọc trước lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới tại phiên họp toàn thể Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc về Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, Robert B. Zoellick, tuyên bố Ngân hàng Thế giới đã cứu giúp cuộc sống của 13 triệu người từ nguồn vốn của Hiệp hội phát triển quốc tế IDA hỗ trợ trực tiếp cho các mục tiêu MDG cho những nước nghèo nhất kể từ năm 2000 và sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để huy động các nguồn vốn đầu tư mới trong nông nghiệp, giáo dục và y tế nhằm san bằng những cách biệt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong vòng 5 năm tới.

Được ký kết vào năm 2000, những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ này cam kết các nước đang phát triển, các nhà tài trợ và các đối tác khác xóa bỏ đói nghèo cùng cực và cải thiện phúc lợi kinh tế và con người cho người nghèo trên toàn thế giới vào năm 2015. “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là trọng tâm trong sứ mạng của Nhóm Ngân hàng Thế giới và công việc hàng ngày của chúng tôi. Từ năm 2000, nguồn vốn IDA đã giúp cứu sống 13 triệu người,” ông Zoellick tuyên bố trong một bài phát biểu chuẩn bị trong phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao về MDG tại Liên hiệp quốc.

“Chúng tôi đang cùng với các đối tác phấn đấu đạt được những kết quả có thể đo được trong chương trình nghị sự phát triển. Chúng ta cần phải kết nối các mục tiêu lại với nhau. Nếu chỉ xây dựng trạm xá mà không xây đường cho các bà mẹ có thể đi đến là chưa đủ. Nếu chỉ đào tạo giáo viên hay cung cấp sách giáo khoa mà trẻ em phải vất vả làm bài tập về nhà buổi đêm trong bóng tối là chưa đủ. Chúng ta không chỉ tính đến những người dân sống trong các điều kiện y tế, giáo dục hay hạ tầng được cung cấp trong các căn hộ sạch sẽ. Mà đó chính là những người dân sống trong các gia đình, làng xã, cộng đồng, các quốc gia nơi diễn ra tất cả các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Chúng ta cần phải kết nối được những điểm mấu chốt đó,” ông Zoellick nói.

“Đây chính là những gì mà nguồn vốn IDA, nguồn vốn tài trợ cho các nước nghèo nhất, có thể phát huy hiệu quả. Trong thập kỷ qua, IDA đã tăng vốn tài trợ không lãi suất và các nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại cho các nước đang phát triển từ 4,4 tỷ đô la năm 2000 lên đến 14,5 tỷ đô la trong năm nay,” ông Zoellick nói tiếp, kêu gọi các nước ủng hộ việc bổ sung nguồn vốn IDA năm nay.

“Hiện nay, chính các nền kinh tế đang trỗi dậy này kéo kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng. Ngày nay, một số nước đang phát triển nổi lên như các cường quốc kinh tế; các nước khác đang tiến lên trở thành các cực phát triển mới; và tuy một số nước đang vật lộn để đạt được tiềm năng kinh tế trong hệ thống mới này- một hệ thống mà Bắc và Nam, Đông và Tây, có thể là các điểm trong một la bàn, chứ không phải chỉ và các thực thể kinh tế. Tôi tin vào Châu Phi. Tôi tin rằng châu Phi có thể là một cực tăng trưởng toàn cầu,” ông Zoellick nói.

Hướng tới năm 2015, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói rằng điều quan trọng là cộng đồng phát triển rút ra các bài học trong thập kỷ thực hiện MDG vừa rồi và xây dựng trên nền tảng đó để có thể đạt được các kết quả phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

“Khi chúng ta đánh giá quá trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của thập kỷ trước tại Liên hiệp quốc trong tuần này, chúng ta phải nhìn xa hơn và sâu hơn vào các con số để xem chúng ta có thể học hỏi được gì. Chúng ta cần phải đầu tư vào những gì hiệu quả và sửa chữa hoặc chấm dứt những gì không hiệu quả. Chúng ta cần hợp tác với các nước đang phát triển với tư cách họ là các khách hàng, chứ không phải họ là các mô hình phát triển trong sách vở. Chúng ta cần giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề chứ không phải là kiểm nghiệm các học thuyết,” ông Zoellick phát biểu.

Mô tả ảnh hưởng của nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới cho người nghèo nhất, ông Zoellick nói rõ từ năm 2000, nguồn vốn IDA đã giúp chủng ngừa cho 311 triệu trẻ em, giúp cho 177 triệu người dân thế giới được tiếp cận tới nguồn nước sạch và vệ sinh, giúp hơn 47 triệu người tiếp cận được các dịch vụ y tế, cung cấp dinh dưỡng bổ sung cho 99 triệu trẻ em và giáo dục cho 13 triệu trẻ em gái.

Trong diễn văn của mình, ông Zoellick phát biểu:

  • Đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ không chỉ là thách thức với các nước nghèo nhất mà cả đối với các nước có thu nhập trung bình- nơi 70% dân số nghèo của thế giới sinh sống.
  • Trong 3 thập kỷ qua, các nền kinh tế đang phát triển và đang nổi lên đã có những bước tiến trong việc xóa đói nghèo. Vào năm 1981, 52 phần trăm dân số ở các nước đang phát triển sống ở mức nghèo cùng cực; đến năm 2005, con số này đã được giảm đi hơn một nửa. Những nỗ lực của các nước đang phát triển đã được đền đáp cho tới trước cuộc khủng hoảng, với số người đói nghèo giảm mạnh ở Đông Á, châu Mỹ La tinh và Đông và Trung Âu.
  • Các cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và tài chính từ năm 2008 đã làm giảm và thậm chí đảo ngược tiến trình thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của nhiều nước trên thế giới
  • Ngân hàng Thế giới ước tính có thêm 64 triệu người đang sống ở mức nghèo cùng cực trong năm 2010 và khoảng 40 triệu người nữa đã bị đói vào năm ngoái vì các cuộc khủng hoảng này.
  • Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung vào “Chương trình Tiếp cận” giúp đảm bảo việc tiếp cận của người dân tới các dịch vụ y tế căn bản, giáo dục chất lượng, nước sạch, năng lượng, thực phẩm và việc làm – không chỉ nhìn ở các con số mà tập trung vào chất lượng dịch vụ.
  • Ngân hàng Thế giới sẽ tăng đầu tư không lãi suất vào giáo dục căn bản với khoản tín dụng 750 triệu đô la cho các nước, đặc biệt là thuộc khu vực châu Phi Hạ Sahara, những nước hiện không thực hiện được lộ trình đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giáo dục vào năm 2015
  • Về y tế, Ngân hàng Thế giới sẽ tăng quy mô các chương trình y tế dựa vào kết quả lên hơn 600 triệu đô la vào năm 2015 – tập trung vào 35 nước, đặc biệt là ở Đông Á, Nam Á và khu vực châu Phi Hạ Sahara hiện đang khó khăn để đạt các mục tiêu thiên niên kỷ do tỷ lệ sinh cao, dinh dưỡng cho trẻ em và bà mẹ thấp và tỷ lệ các bệnh trẻ em và bà mẹ cao.

* Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) là một tổ chức của Ngân hàng Thế giới cung cấp tài trợ cho các nước nghèo nhất. Được thành lập từ năm 1960, mục tiêu của IDA là giảm đói nghèo bằng cách cung cấp tín dụng và khoản vay không tính lãi cho các chương trình phát triển kinh tế. giảm bất bình đẳng và cải thiện điều kiện sống của con người.

Liên hệ truyền thông
Tại New York
Phil Hay
tel : (202) 409-2909
phay@worldbank.org
Tại Washington
David Theis
tel : (202) 458-8626
dtheis@worldbank.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : (84-4) 934 6600 – máy lẻ 234
nnguyen5@worldbank.org

THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2011/095/HDN

Api
Api

Welcome