Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ 13 Tháng 4 Năm 2021

Câu chuyện của một giáo viên người Điếc nghị lực vượt qua rào cản để hòa nhập xã hội


Là người điếc bẩm sinh, lớn lên với rào cản ngôn ngữ và cảm giác bị cô lập, Nguyễn Thị Ngọc Anh đã không bỏ cuộc. Cô đã trở thành một giáo viên dạy trẻ điếc và nỗ lực không mệt mỏi và hy vọng một tương lai tương sáng cho những trẻ em cũng là trẻ điếc như mình.

Tuổi thơ tập nói theo những khuôn miệng chuyển động

Dù rất buồn khi biết tin con gái bị điếc bẩm sinh, bố mẹ của Ngọc Anh vẫn quyết tâm cho em đi học để có cơ hội phát triển như những đứa trẻ khác. Bắt đầu vào học lớp mầm non dành cho nghe ở Hà Nội, bé Ngọc Anh khi đó luôn bị bỏ lại phía sau trong các cuộc chơi bởi em không thể hiểu được bạn bè đang nói gì. Bố mẹ Ngọc Anh lại cất công đưa em tới trường Xã Đàn, là trường nuôi dạy trẻ điếc và nghe kém. Tại đây, cô bé và các học sinh khác được đọc hình miệng và liên kết âm đọc với từ vựng. Ngày qua ngày, kiên trì nhìn theo những khuôn miệng mấp máy của giáo viên, Ngọc Anh cũng bập bẹ theo được những từ cơ bản.

Đọc theo khẩu hình miệng chỉ giúp Ngọc Anh một phần trong quá trình giao tiếp cơ bản hàng ngày. Rào cản về ngôn ngữ và kiến thức vẫn là bức tường thành mà em cần phải vượt qua để hòa nhập với bạn bè, gia đình và những người xung quanh.

Quẩn quanh trong nỗi vô định về tương lai khi chỉ giao tiếp cơ bản được với những người xung quanh bằng hình miệng không tròn tiếng, không viết được câu đầy đủ, có nhiều từ vựng mới, Ngọc Anh luôn khao khát được giao tiếp, được hiểu, được hòa nhập cộng đồng. Em ước mình có thể tìm được một ngôi trường có hệ thống giảng dạy đầy đủ bằng ngôn ngữ ký hiệu để mở mang kiến thức, phát triển hết khả năng của mình.

Ngôn ngữ ký hiệu: “Ánh sáng và niềm tin” của cuộc đời tôi

Việc thông thạo ngôn ngữ ký hiệu nhờ học hỏi từ các bạn cùng cảnh ngộ đã mở ra con đường tri thức cho Ngọc Anh tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ở đó, các sinh viên người điếc giúp phong phú thêm ký hiệu cho giảng viên, để họ có thể sử dụng ngôn ngữ kết hợp với các phương pháp trực quan trong các bài giảng cho học sinh. Đó là một môi trường hợp tác và hỗ trợ cho các sinh viên người điếc.

Được học tập và tích lũy thêm kiến thức khiến Ngọc Anh tự tin hơn. Cô tham gia sinh hoạt ngoài cộng đồng với Câu lạc bộ người Điếc Hà Nội – từng hoạt động dưới sự hỗ trợ của Dự án giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường (IDEO, một dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ). Một trong những dự án khiến cô tự hào nhất và nhớ mãi không quên đó là dự án IDEO - giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường. Ngọc Anh nhận định: “Nếu trẻ điếc được học ngôn ngữ ký hiệu sớm từ khi phát hiện thì trẻ sẽ tiếp thu đầy đủ kiến thức ngang bằng với trẻ nghe được. Khi các con được đi học sớm, có ký hiệu thì các con sẽ tiếp thu bài học rất nhanh để sẵn sàng vào lớp 1. Nền tảng ngôn ngữ chính là để giúp trẻ học mở rộng thêm các kiến thức ở các cấp học sau này”.

Image
Cô giáo Ngọc Anh đang hướng dẫn môn tiếng Việt cho em Nguyễn Ngọc Bảo Châu (7 tuổi) tại trường Cao đẳng Sư phạm TW. Ảnh: Lê Thắng/Ngân hàng Thế giới 


"Quá trình đi học, tôi viết được Tiếng Việt cơ bản, phần nhiều là những từ đơn, vốn từ Tiếng Việt tôi học được không đủ để viết được câu có nghĩa và bộc lộ đầy đủ cảm xúc, hoặc bày tỏ hết điều bản thân mong muốn. Điều này khiến tôi vô cùng chán nản. Tôi cứ mãi thắc mắc không hiểu sao bố mẹ nói chuyện với nhau, những người xung quanh nói rất nhiều, còn mình thì nói không ai hiểu."
Nguyễn Thi Ngọc Anh

Phương pháp giảng dạy trực quan để hỗ trợ học sinh điếc và nghe kém học tập tốt hơn

Với kiến thức và niềm đam mê của mình, Ngọc Anh hiện là một trong 500 giáo viên giảng dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu đang được tập huấn sử dụng danh mục 4.000 ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt150 video bài giảng Toán và tiếng Việt dành cho giáo viên dạy trẻ điếc.

Các tài liệu này được xây dựng trong khuôn khổ Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu (QIPEDC) , do Quỹ Hợp tác Toàn cầu tài trợ theo kết quả đầu ra (GPRBA) ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng tiếp cận cho học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt nhằm nâng cao kết quả học tập của trẻ. Dự án được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tại 20 tỉnh thành.

Việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu chính là đóng vai trò tạo dựng nền tảng trong giáo dục trẻ điếc và nghe kém. Ngọc Anh cho rằng, “nếu các thầy cô cứ áp dụng phương pháp của trẻ nghe cho trẻ điếc, thì đây là cách cứng nhắc và trẻ điếc sẽ không thể tiếp thu được kiến thức. Do đó, phương pháp phù hợp nhất với trẻ điếc là sử dụng phương pháp trực quan.”

Ngoài ra, sự kết hợp giáo dục cho trẻ giữa gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong quá trình bồi đắp kiến thức, hiểu biết ở trẻ để các em phát triển thành công. Phụ huynh rất cần học ký hiệu để có thể giao tiếp với trẻ và khuyến khích các em thể hiện nhu cầu, mong muốn của bản thân. Điều đó cũng giúp các em có thể giao tiếp các vấn đề hằng ngày như việc nhà, vệ sinh, bày tỏ ý kiến cũng như khám phá tài năng và sở thích của mình.

Image
Cô giáo Ngọc Anh đang hướng dẫn môn tiếng Việt cho em Đàm Thị Minh Nguyệt (8 tuổi) tại trường Cao đẳng Sư phạm TW. Ảnh: Huỳnh Cường/Ngân hàng Thế giới 

Câu chuyện về hành trình trở thành giáo viên của Ngọc Anh vừa là minh chứng về nội lực vượt qua nghịch cảnh, nhưng cũng là khẳng định về vai trò của ngôn ngữ ký hiệu - một công cụ quan trọng trong sự phát triển năng lực của trẻ điếc. Ngôn ngữ ký hiệu chính là phương tiện giao tiếp, là văn hóa và bản sắc của cộng đồng người điếc. Thông qua giảng dạy, học tập ngôn ngữ ký hiệu, trẻ điếc có cơ hội giao tiếp, học hỏi, tiếp thu tri thức và xóa bỏ rào cản để sẵn sàng hòa nhập vào xã hội.

Ngọc Anh tin rằng: “Trẻ điếc cần được học ngôn ngữ ký hiệu, cũng giống như trẻ nghe được cần được học ngôn ngữ nói.


Api
Api
/content/wb-home/vi/news/shared/site_config::1