CẦN THƠ, Việt Nam – 5h sáng, Cần Thơ, thành phố lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long và là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam đã khá nhộn nhịp với nhịp sống thường ngày. Ở chợ nổi, các ghe thuyền đã náo nhiệt với các hoạt động mua bán rau quả và gần như vây kín con sông Hậu. Ở gần đó, người dân đang tắm rửa hay giặt giũ trên sàn nhà bên bờ sông. Con sông và hệ thống kênh rạch đã gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây.
Một tiếng sau, quận Ninh Kiều, trung tâm thành phố Cần Thơ đã chìm trong nước.
"Mỗi khi thủy triều lên, con phố này ngập trong nước. Mỗi lần ngập là nước tràn vô nhà luôn. Đồ đạc, hàng hóa trong nhà là phải kê lên hết, nếu không kê là bị ướt,” Ông Cao Văn Buôn, chủ một cửa hàng cho biết. “Mỗi lần nước ngập khoảng bốn tiếng đồng hồ. Hổng có ai đi vô con đường này đâu mà mua bán,”
Sau đó vài giờ, bọn trẻ đi học trên những con đường đầy bùn đất và thật nguy hiểm khi xe máy cũng phải chạy trên những ngỏ hẻm hay đường phố ngập lụt như vậy.
Hứa Viết Thắng, một học sinh trung học, và bạn của em đã quá quen với cảnh này. “Dù là trời nắng hay là trời mưa thì đường đều bị ngập,” Thắng nói. Đôi khi, các bị ngã trên đường đến trường khiến quần áo và sách vở ướt sũng.
Tuy nhiên, ở chợ thành phố mọi hoạt động buôn bán vẫn diễn ra bình thường. Ngập lụt là một căn bệnh mạn tính mà thành phố phải đối mặt, và coi đó là “một phần cuộc sống”. Chưa đến 5% diện tích thành phố cao trên 2 mét so với mực nước biển nhưng mực nước ngập lụt hằng năm cao nhất cũng đã vượt qua ngưỡng này.
Thiên tai lặng lẽ nhưng dai dẳng
Nước rút sau một vài giờ. Trong mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, cả thành phố thường phải chịu ngập úng trung bình hai lần mỗi ngày. Ngập úng thường xảy ra do thủy triều dâng kết hợp với nước xả từ sông. Trong vòng 10 đến 15 năm gần đây, mức thủy triều cao nhất đã tăng lên khoảng 20 đến 30 cm do sự kết hợp của các hoạt động thượng nguồn, mực nước biển dâng và tình trạng lún đất.
Khác với các sự kiện khác như bão lũ với mức thiệt hại cao, tình trạng ngập lụt theo mùa này thường đến một cách yên ắng nhưng lại gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế do kinh doanh bị đình trệ, chuyên chở hàng hóa bị trì hoãn, không thể làm việc và các tác động gián tiếp đối với sức khỏe con người.
“Nước dơ nên nhiều khi lội ướt chân thì chân mình bị ngứa”, ông Huỳnh Văn Sơn, người dân ở Cái Răng chia sẻ khi ông đang quét đi rác và nước bẩn sau đượt triều cường mới.
Thành phố Cần Thơ không chỉ phải đối mặt với những ngập lụt theo mùa mà còn phải đối mặt với những trận lụt đột xuất xảy ra do mưa lớn, trong khi Cần Thơ đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế và đô thị hóa nhanh. Thách thức mới về lực lượng lao động cho những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, và dân số đô thị tăng nhanh đòi hỏi chính phủ phải có cơ sở hạ tầng và các loại hình dịch vụ chất lượng cao.
Những thách thức này thực sự có mối tương quan – lấn chiếm kênh rạch và lòng sông đã làm tăng nguy cơ ngập lụt trong khi đó ngập lụt và tình trạng tăng trưởng tràn lan đã tác động đối với an sinh và chất lượng cuộc sống ở các khu vực thành thị - và những thách thức này đã kiềm chế tiềm tăng tăng trưởng và an sinh xã hội của thành phố.