Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép 13 Tháng 10 Năm 2017

Bài phát biểu củaông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam

Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng

Kính thưa Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai

Kính thưa ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam/Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Kính thưa các vị khách quí, quí ông và quí bà,

 

Đầu tiên, tôi xin được gửi lời chúc mừng tới nhân dân và lãnh đạo Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Giảm nhẹ Thiên tai. Tôi rất vinh hạnh được tham dự Hội nghị quan trọng về Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và Tăng cường Khả năng chống chịu Nông nghiệp với Biến đổi Khí hậu ở Việt Nam. Tôi vui mừng được biết rằng Hội nghị này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức. Thay mặt cho Ngân hàng Thế giới, tôi xin được chào mừng quí vị đã đến tham dự hôm nay. 

Mục tiêu ngày hôm nay của chúng ta là để thúc đẩy đối thoại chính sách liên quan đến Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp thông qua việc mời các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các bên hưởng lợi và các bên có liên quan khác trong nước và quốc tế từ các lĩnh vực liên quan bao gồm nông nghiệp, quản lý tài nguyên nước, tài chính và các lĩnh vực khác cùng tham dự, chia sẻ và thảo luận. Cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong bối cảnh rủi ro khí hậu, đặc biệt là lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn; cũng như các nhu cầu và ưu tiên để giải quyết những thách thức này

Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đối với hạn hán, bão và lũ lụt, những thiên tai gây thiệt hại lớn cả về kinh tế và con người. Trong thực tế, Việt Nam được xếp thứ bảy trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị thiên tai nhất trên thế giới. Trong hai thập kỷ qua, thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13.000 người chết và gây ra thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ Đô la Mỹ. Những năm gần đây, tác động của thiên tai, cụ thể là hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, năm 2015-2016 và lũ lụt ở miền Trung năm 2016, rất đáng lo ngại.

Thật không may, rủi ro do thiên tai được dự báo sẽ ngày càng gia tăng. Tương tự như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt với rủi ro thiên tai và nguy cơ dễ bị tổn thương cao do phát triển đô thị thiếu qui hoạch, sử dụng đất chưa hợp lý và suy thoái môi trường. Hơn nữa, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm gia tăng tác động dothiên tai, đặc biệt là về thời gian, tần suất, mức độ nghiêm trọng và cường độ của các sự kiện khí tượng thuỷ văn. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có khoảng 5% tài sản của quốc gia được bảo hiểm, và câu hỏi đặt ra là liệu những người dân bị ảnh hưởng và chính phủ có thể chịu được gánh nặng cho phần còn lại khi gặp những trận thiên tai nghiêm trọnghay không. Một báo cáo gần đây cho thấy Việt Nam có thể bị thiệt hại trên 4% GDP trong trường hợp xảy ra một thảm họa thiên tai lớn. Trong 50 năm tới, Việt Namcó 40% nguy cơ có thể xảy ra thiên taigây ra thiệt hại kinh tế trên mức 141 nghìn tỷ đồng (6,7 tỷ đô la Mỹ).

Đã đến lúc phải giải quyết những thách thức này và chuẩn bị sẵn sàng để giảm nguy cơ tổn thương liên quan đến khí hậu của đất nước. Nếu không đầu tư cho khả năng chống chịu thiên tai hôm nay, Việt Nam sẽ bỏ lỡ đi cơ hội tăng cường tiến bộ về xã hội, kinh tế và môi trường và sẽ gây tác động không tốt cho nhiều năm tới. Tôi đánh giá cao những nỗ lực to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây nhằm giải quyết những thách thức này. Cụ thể, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể nhằm ứng phó với rủi ro thiên tai khí hậu. Bao gồm việc xây dựng và thực hiện các chính sách, đồng thời thiết lập các khuôn khổ pháp lý cho quản lý rủi ro thiên tai, ví dụ như Chiến lược quốc gia Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; Luật Phòng, chống thiên tai; và Cục phòng, chống thiên tai vừa được thành lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Các quy định này cần phải được thực hiện đầy đủ. Cơ quan mới thành lập cần được hoạt động hiệu quả đúng với chức năng. Và những nỗ lực, đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng thể chế cho quản lý rủi ro thiên tai và tài chính cho rủi ro thiên tai, cần phải tiếp tục và củng cố kể cả phía chính phủ cũng như với tất cả các bên liên quan khác.

Hội nghị này với sự tham dự của nhiều bên để thảo luận chi tiết về các vấn đề liên quan đến quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và để gợi ý/đề xuất các chính sách và tổ chức thể chế cần thiết; các chương trình/hoạt động xây dựng năng lực; và các cơ chế tín dụng, bảo hiểm và các cơ chế tài chính khác để xây dựng một Việt Nam có khả năng chống chịu tốt hơn trong tương lai.

Cho phép tôi khép lại bài phát biểu bằng việc nhấn mạnh lời cam kết của Ngân hàng Thế giới giúp Việt Nam duy trì thành công ấn tượng về kinh tế-xã hội trong bối cảnh rủi ro khí hậu đang gia tăng. Để khẳng định cam kết này, tôi cũng xin thông báo khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới về Tăng cường khả năng chống chịu cho Nông nghiệp với El Nino-ở khu vực Đông Á, một hoạt động được Quỹ tín dụng đa phương cho ứng phó khủng hoảng giá lương thực hỗ trợ. Qua đây, Ngân hàng Thế giới đang tăng cường mục tiêu hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia thành viên khác chuẩn bị cho các thách thức về khí hậu, hỗ trợ phát triển bền vững và chia sẻthịnh vượng.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn sự hiện diện và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trịnh Đình Dũng,và nhiệt liệt chào đón tất cả quí vị, đặc biệt là các đại diện đến từ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các tỉnh, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các đối tác phát triển và các cơ quan truyền thông. Cảm ơn sự tham gia thảo luận ngày hôm nay của quí vị và mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác giữa các bên liên quan và các ngành trong việc xây dựng một môi trường có khả năng ứng phó với khí hậu đang thay đổi vàvì một Việt Nam thịnh vượng.

Xin cảm ơn!​ 

Api
Api