Diễn văn và Bản ghi chép

Phát biểu tại Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hoá Bền vững

14 Tháng 5 Năm 2017


Achim Fock, Manager, Portfolio and Operations, World Bank Vietnam Hanoi, Việt Nam

Như trong bản chuẩn bị để phát biểu

Kính thưa Bộ trưởng Hà,

Thưa các vị khách quý,

Thưa quý bà, quý ông,

Sống tại Hà Nội tôi không thể không nhận thấy sự phát triển nhanh chóng tại khu vực nội thành và xung quanh thành phố. Đô thị hoá là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong quá trình phát triển kinh tế. Từ trước đến nay các thành phố luôn là đầu tàu phát triển kinh tế và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng ngày nay phát triển bền vững là vấn đề trung tâm trong chương trình nghị sự đô thị hoá và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đều cố gằng làm cho đô thị trở thành nơi đáng sống hơn cho các thế hệ tương lai.

Nếu có chiến lược đúng đắn và cân đối được cái được cái mất ta sẽ đảm bảo được phát triển bền vững. Ví dụ, muốn cải thiện môi trường đô thị ta phải cân đối được những xung đột lợi ích về đất đai và nước và phải đảm bảo sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đối với một số nước đang phát triển thì đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng  vì họ phải cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.

Phát triển bền vững cũng đòi hỏi phải phát triển hoà nhập, tức là phải làm sao để mọi người dân đô thị đều có cơ hội hưởng lợi như nhau từ quá trình đô thị hoá—để họ có thể sử dụng sức lao động của mình ở những nơi mang lại hiệu quả nhất, để họ có thể tiết kiệm và tích tụ tài sản, và để họ có thể sử dụng dịch vụ công với chất lượng đồng đều trong cả nước. Cần hội nhập lao động di cư từ các vùng nông thôn để họ và gia đình họ  được hưởng các dịch vụ như những cư dân thành phố.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới cần suy nghĩ nghiêm túc về chất lượng và tốc độ đô thị hoá để bảo đảm quá trình đô thị hoá thân thiện với môi trường, bền vững, có lợi cho mọi đối tượng và duy trì được tính cạnh tranh. Buổi đối thoại của chúng ta hôm nay diễn ra đúng thời điểm giúp các thành viên đề ra tầm nhìn và bắt đầu công tác kế hoạch hoá quá trình phát triển đô thị trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương trong thập kỉ tới.

Tôi xin phép đi sâu vào từng công tác cụ thể.

Thứ nhất, cần thực hiện tốt công tác lập kế hoạch phát triển đô thị, đi kèm với sự chỉ đạo kiên quyết tại cấp địa phương. Chúng ta không tránh khỏi phải mở rộng không gian đô thị, nhưng nếu mở rộng một cách vô tổ chức sẽ gây tác động tiêu cực lên người dân và chính phủ địa phương, ví dụ làm tăng thời gian đi lại, tăng tắc nghẽn giao thông, tăng số phương tiện đi lại, tăng ô nhiễm không khí, v.v dẫn đến đòi hỏi vô hạn về xây dựng cơ sở hạ tầng. Rất nhiều thành phố tại châu Á đang vật lộn với vấn đề quản lý quy hoạch không gian. Lúc này chính là thời điểm lý tưởng để chúng ta lùi lại và suy nghĩ về vấn đề làm thế nào để thực hiện các khoản đầu tư lớn một cách tiết kiệm và hiệu quả để tăng trưởng một cách khôn ngoan. Muốn vậy, cần có một quy trình lập kế hoạch phát triển đô thị đa ngành, tổng thể và hiệu quả và được thực hiện dưới sự chỉ đạo kiên quyết từ cấp trung ương tới địa phương nhằm điều phối tốt giữa các bộ, ngành. Cần tư duy theo hướng đồng bộ, và phối hợp đầu tư tốt giữa các vùng lãnh thổ và các ngành chức năng.

Thứ hai, cần quản lý đô thị  tốt thì mới có thể thực hiện đô thị hoá hiệu quả. Hiện nay các quy định quản lý rất chồng chéo và phức tạp làm cho nhiều thành phố không thể phối hợp công tác lên kế hoạch và thực hiện các công trình đầu tư. Các thành phố đã thực hiện quản lý đô thị tốt đã khai thác tốt kết quả mang lại. Ví dụ, trước đây 40 năm Singapore còn nhiều đầm lầy và một hạ tầng kém hiệu quả. Sau khi đánh giá các hạn chế về nguồn lực Singapore đã đi đến quyết định thực hiện những dự án đầu tư chiến lược và theo sát kế hoạch đã vạch ra từ năm 1970. Nhờ đó Singapore đã tiết kiệm được nguồn lực, tập trung phát triển giao thông công cộng và coi đất đai là một nguồn tài nguyên có hạn. Singapore sẽ không thể đạt được kết quả này nếu không quản lý đô thị tốt.

Thứ ba, cần đẩy nhanh tăng trưởng và muốn vậy cần liên tục đổi mới sáng tạo và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngày nay, các đô thị là trung tâm thu hút lao động nhập cư, sinh viên, các ngành công nghiệp đa quốc gia, khách du lịch, người lao động trong ngành dịch vụ. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, mật độ và quy mô đô thị tạo thị trường cho một số dịch vụ chuyên ngành như logistics, quảng cáo, pháp lý, tư vấn kinh doanh. Ví dụ, tại thành phố New York có một nhà thiết kế trẻ không cần phải tuyển dụng luật sư vào làm việc để quản lý công tác đăng ký kinh doanh và tài sản trí tuệ. Nhà thiết kế này có thể sử dụng dịch vụ logisitcs để kết nối các cửa hàng tại Hồng Công với các xưởng sản xuất quanh khu vực Colombo (Sri Lanka). Đây chính là cơ hội để các thành phố châu Á đi vào chuyên môn hoá, hội nhập và kết nối với các thành phố khác trong một thế giới toàn cầu hoá với tốc độ ngày càng cao.

Và cuối cùng, khi các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương trở nên giàu có hơn thì càng cần phải cải thiện chất lượng cuộc sống, và lôi kéo sự tham gia của người dân vào sự phát triển của thành phố. Ngoài nâng cao chất lượng cuộc sống ra còn phải chú ý đầu tư hơn nữa vào phát triển hạ tầng xanh và khuyến khích đổi mới sáng tạo tại các thành phố. Công tác này phải dựa trên cơ sở đối thoại tích cực giữa các bên liên quan như nhà chức trách trung ương và địa phương, nhà đầu tư, đối tác phát triển và người dân. Cơ chế tham gia này phải đảm bảo một quá trình bàn bạc và thảo luận tích cực vấn đề phát triển tương lai của thành phố. Một số tấm gương thành công và cách làm tốt đã được thực hiện tại Curitiba (Brazil); Bogota (Colombia); Ahmedabad (Ấn Độ); và vùng Guateng (Nam phi).

Nhân dịp Đối thoại APEC Dialogue về Đô thị hoá Bền vững, thay mặt Ngân hàng Thế giới tôi xin phép nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đối thoại chính sách, học hỏi từ cách làm tốt nhất trên thế giới, và xây dựng những cách tiếp cận dựa trên bằng chứng trong phát triển đô thị. Tôi rất vui được tham gia thảo luận và chia sẻ kiến thức với quý vị trong 2 ngày tới.

Xin cảm ơn.


Api
Api

Welcome