Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ 11 Tháng 4 Năm 2018

Triển vọng tăng trưởng ở các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn mạnh nhưng cần quan tâm đến rủi ro, theo Ngân hàng Thế giới

JAKARTA, ngày 12 tháng 04 năm 2018 – Tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến vẫn mạnh, đạt mức 6,3% trong năm 2018, theo nhận định của báo cáo kinh tế mới nhất của Ngân hàng Thế giới nghiên cứu về khu vực này. Viễn cảnh kinh tế tiếp tục phục hồi trên toàn cầu và sức cầu mạnh trong nước là căn cứ để đưa ra triển vọng tích cực trên. Tuy nhiên, những rủi ro mới nổi liên quan tới ổn định và tăng trưởng bền vững đòi hỏi các quốc gia phải hết sức lưu tâm.

Nâng cao Tiềm năng, số tháng 4/2018 của báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới công bố hôm nay, nhấn mạnh mặc dù viễn cảnh đang thuận lợi, lời khuyên dành cho các nhà hoạch định chính sách của khu vực là cần ghi nhận và xử lý những thách thức mới phát sinh. Quan tâm đến những rủi ro ngắn hạn liên quan đến lãi suất tăng nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế tiên tiến và khả năng leo thang căng thẳng thương mại đòi hỏi phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ và lớp đệm ngân sách phải được tích lũy ở mức cao hơn. Để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn, đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư tư nhân, tăng trưởng năng suất và nguồn nhân lực là then chốt. 

“Tăng trưởng mạnh là động lực để khu vực đạt những thành tựu to lớn về giảm nghèo cùng cực. Để phát huy thành tựu đó và cải thiện tương lai cho một bộ phận dân chúng lớn hơn còn chưa được đảm bảo an ninh kinh tế, đòi hỏi cần phải duy trì tăng trưởng bền vững trong dài hạn,” bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu.Các nhà hoạch định chính sách cần chú trọng xử lý những rủi ro về ổn định kinh tế đồng thời tiến hành các bước nhằm nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.”

Sau khi đạt tăng trưởng cao hơn dự kiến vào năm 2017, tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ chững lại còn 6,5% năm 2018 do nền kinh tế tiếp tục tái cân bằng theo hướng chuyển từ chú trọng đầu tư sang tiêu dùng trong nước qua các chính sách tập trung hơn vào giảm tăng trưởng tín dụng và cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Bên cạnh Trung Quốc, tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục ổn định ở mức 5,4% trong năm 2018, phản ánh sức cầu mạnh mẽ trong nước và bên ngoài. Tăng trưởng tại In-đô-nê-xia và Thái Lan dự kiến được củng cố trong năm 2018 với viễn cảnh về đầu tư và tiêu dùng tư nhân được cải thiện. Tại Phi-líp-pin, tăng trưởng dự kiến vẫn ổn định trong năm 2018. Tại Ma-lay-xia và Việt Nam, tăng trưởng có thể sẽ chững lại do đầu tư công giảm ở Ma-lay-xia và sản suất nông nghiệp ổn định lại sau phục hồi vào năm 2017 ở Việt Nam.

Viễn cảnh ở một số nền kinh tế nhỏ nhìn chung vẫn thuận lợi, một phần do giá cả thương phẩm thô cao hơn. Tại Miến Điện, tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ tăng trong năm 2018, mặc dù viễn cảnh đầu tư có thể xấu đi do những diễn biến hiện nay ở Bang Rakhine. Tăng trưởng của Mông Cổ sẽ cao hơn nhờ kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Kinh tế Pa-pua Niu Ghi-nê có thể phục hồi theo chu kỳ do giá cả thương phẩm thô cao hơn, mặc dù vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi trận động đất gần đây. Tăng trưởng của Cam-pu-chia dự kiến tăng nhẹ, còn tốc độ tăng trưởng của CNDCND Lào dự kiến không thay đổi.

Triển vọng tăng trưởng của các Quốc đảo vùng Thái Bình Dương không đồng đều. Tăng trưởng của Fi-ji và Quốc đảo Sô-lô-mông dự kiến sẽ chững lại. Tăng trưởng ở các Quốc đảo nhỏ vùng Thái Bình Dương dự kiến ở mức khiêm tốn nhưng có thể biến động do nguy cơ cao về thiên tai và sự phụ thuộc vào thương phẩm thô nhập khẩu.

“Mặc dù triển vọng tăng trưởng của khu vực được cho là tích cực, nhưng vẫn tồn tại những thách thức ngắn hạn và trung hạn đối với các nhà hoạch định chính sách,” đó là nhận định của ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới. “Xử lý những thách thức đó đòi hỏi các biện pháp nhằm giảm tác động có thể xảy ra do tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra nhanh hơn ở các nền kinh tế tiên tiến đồng thời phải nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong điều kiện chính sách bất ổn, đặc biệt về thương mại toàn cầu.”

Để xử lý những rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, các quốc gia cần cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ và tiếp tục tăng cường hơn nữa chính sách quản lý vĩ mô.  Điều này đặc biệt quan trọng ở các quốc gia có mức dư nợ cao hoặc tốc độ tăng trưởng tín dụng cao có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ dễ tổn thương đối với khu vực tài chính khi lãi suất tăng cao ở các nền kinh tế tiên tiến.

Để xử lý viễn cảnh tăng trưởng chững lại trên toàn khu vực trong trung hạn, các quốc gia cần tìm cách nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn. Các chính sách này bao gồm một loạt các biện pháp nhằm: cải thiện chi tiêu công và đầu tư hạ tầng; tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại và cải thiện về tạo thuận lợi thương mại; triển khai cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; và phát triển nguồn nhân lực.

Trong điều kiện nguy cơ vẫn tiếp diễn với hệ thống thương mại toàn cầu, các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cần ứng phó bằng cách tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại và tạo thuận lợi thương mại, thông qua các cơ chế như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, Sáng kiến Một vành đai & Một con đường. Nếu được thực hiện tốt, các sáng kiến đó sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi các quốc gia điều chỉnh chiến lược phát triển dựa trên sản xuất của mình nhằm đối phó với những thách thức mới phát sinh về tự động hóa và công nghệ tiết kiệm lao động, làm mờ đi ranh giới giữa sản xuất và dịch vụ.

Cải thiện năng lực cạnh tranh cũng là vấn đề quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực trong quá trình tìm cách điều chỉnh theo những thay đổi đang diễn ra trong bối cảnh sản xuất có sự tiến triển của công nghệ. Nhiều yếu tố khác của môi trường kinh doanh sẽ trở nên quan trọng hơn so với chi phí lao động để tạo ra vận may của quốc gia trong lĩnh vực sản xuất. Và khi công nghệ tiếp tục phát triển, các kiến thức đọc viết, tính toán cơ bản và hiểu biết về công nghệ số sẽ trở nên thiết yếu.

Cải thiện hiệu quả giáo dục ở trường là ưu tiên của nhiều quốc gia trong khu vực, khi hầu hết học sinh đều đến trường nhưng phần đông lại học chưa tốt. Bước đi quan trọng trước mắt là hợp lý hóa thể chế và tạo ra hệ thống quản lý lành mạnh nhằm hình thành điều kiện cơ bản cho học tập. Ngoài ra, các hệ thống giáo dục cần tập trung vào: đảm bảo công bằng trong chi tiêu công cho giáo dục tiểu học; chuẩn bị cho học sinh học tập từ lứa tuổi mẫu giáo; tăng cường lựa chọn đồng thời nâng lương và triển vọng nghề nghiệp cho giáo viên; sử dụng kết quả đánh giá có hệ thống để làm căn cứ giảng dạy.

Để chắc chắn những người dân chưa được đảm bảo an ninh kinh tế không bị bỏ rơi, điều quan trọng là cần tăng cường các chương trình an sinh và trợ giúp xã hội, nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc có tính hệ thống. Xây dựng khả năng ứng phó về kinh tế là đặc biệt quan trọng cho các Quốc đảo vùng Thái Bình Dương, và có thể hỗ trợ bằng việc phát triển các quỹ đầu tư của nhà nước đồng thời cải thiện cơ hội tiếp cận các chương trình di trú tạm thời.

Để có thêm thông tin, đề nghị tham khảo trang:

www.worldbank.org/eap

hoặc twitter:

@WB_AsiaPacific

Báo cáo này là một phần hoạt động của Hành trình tới In-đô-nê-xia, bao gồm một loạt các sự kiện hướng tới Hội nghị Thường niên của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc tế sẽ được tổ chức tại In-đô-nê-xia từ ngày 10-14 tháng 10 năm 2018.        


Liên lạc

Washington
Marcela Sanchez-Bender
+1 (202) 473-5863
sanchezbender@worldbank.org
Jakarta
Lestari Boediono
62-21-5299-3156
lboediono@worldbank.org
Api
Api