THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ngân hàng Thế giới giúp phát triển giao thông xanh tại trung tâm kinh tế của Việt Nam

29 Tháng 5 Năm 2015


WASHINGTON, DC, ngày 29/5/2015 – Ban giám đốc Ngân hàng Thế giới vừa phê duyệt khoản tín dụng giá trị 124 triệu USD nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hệ thống giao thông công cộng tại một trong những hành lang giao thông chính của thành phố Hồ Chí Minh. Là trung tâm kinh tế chính của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 1/5 GDP cả nước, và nếu tính cả vùng phụ cận thì gần một nửa tổng sản lượng công nghiệp chế tạo cả nước bắt nguồn tại đây.

“Nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế mạnh và thực hiện thành công mục tiêu của Việt Nam là trở thành một nước thu nhập trung bình, Chính phủ đang tìm cách tháo gỡ các hạn chế về cơ sở hạ tầng và coi đây là một trong ba định hướng chiến lược.” ông Arturo Ardila-Gomez, Trưởng nhóm dự án Ngân hàng Thế giới nói. “Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, Dự án sẽ tập trung nâng cấp một hành lang giao thông chủ chốt nhằm thể hiện tiềm năng của một hệ thống giao thông đô thị bền vững.”

Dự án sẽ cấp vốn xây dựng một hành lang Vận tải xe buýt nhanh nối An Lạc (phía tây bắc) với Rạch chiếc (phía đông nam) thành phố, theo đại lộ Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ, với chiều dài khoảng 23 km và 28 bến đỗ.

Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ có năng lực vận chuyển 28.300 hành khách mỗi ngày. Hệ thống được thiết kế với những tính năng đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, trẻ em và người tàn tật, trong đó có thể kể đến các đặc điểm như lối lên xuống xe có cùng mặt bằng với bến đỗ, giúp hành khách lên xuống cũng như đưa xe đẩy và các vật nặng khác lên xuống dễ dàng hơn. Các bến đỗ cũng có đường lên xuống thoai thoải giúp người đi xe đẩy và người tàn tật di chuyển thuận tiện hơn.  Ngoài ra dự án cũng sẽ tài trợ 28 xe buýt chạy bằng khí nén tự nhiên, một dạng năng lượng sạch giúp làm giảm khí phát thải và ô nhiễm môi trường.

Dự án cũng sẽ cho thấy lợi ích của vận tải xe buýt nhanh, nhằm giúp chính quyền thành phố chuẩn bị xây dựng một mạng lưới trong tương lai gồm 6 tuyến, và đặt cơ sở giúp thành phố đưa ra các thể chế cần thiết để phát triển và quản lý một hệ thống giao thông công cộng đồng bộ trong tương lai.

Hệ thống metro, tàu điện, xe buýt nhanh, và xe buýt trong tương lai sẽ được liên kết đồng bộ để phục vụ hành khách một cách thống nhất, làm cho việc đi lại trở nên thuận tiện. Một trong những đòi hỏi của sự kết hợp đó là phải có mức giá thống nhất, phải kết hợp các bến đỗ, nhà chờ các loại hình giao thông khác nhau sao cho việc chuyển tuyến được thực hiện thuận tiện và dễ dàng nhất.

Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống giao thông công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh, qua đó tạo cơ sở tiến tới thành lập một Cơ quan Quản lý Giao thông Công cộng đồng bộ toàn thành phố với chức năng điều phối chiến lược, dịch vụ và qui định mức phí thống nhất giữa tất cả các loại hình giao thông công cộng.

Tổng chi phí của dự án là 137,45 triệu USD, bao gồm khoản tín dụng của Hiệp hội Phát triển Quốc tế 124 triệu USD. Khoản còn lại 13,45 triệu USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Khoản tín dụng của Hiệp hội Phát triển Quốc tế có thời hạn là 25 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Các điều khoản của khoản tín dụng hỗn hợp này bao gồm 1,25% lãi, 0,75% phí dịch vụ và 0,5% phí cam kết (có thể được miễn, căn cứ vào quyết định của Ban giám đốc được đưa ra hàng năm).   



Liên hệ truyền thông
Tại Washington
Diana Chung
tel : +(202) 473-8357
dchung1@worldbank.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : 84-4-39346600 ext. 234
nnguyen5@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2015/480/EAP

Api
Api

Welcome